Trả lời kiến nghị của cử tri: Kiến nghị sửa đổi chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội

23/09/2022 | 07:16 GMT+7

Trả lời kiến nghị của cử tri Hậu Giang và một số tỉnh, thành về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin nhiều vấn đề về đã, đang tập trung hoàn thiện chính sách liên quan để đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng chế độ tốt nhất.

Bàn giao nhà tình thương của Hội Chữ thập đỏ tỉnh tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ.

Cử tri kiến nghị

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, hạ độ tuổi đối với những đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn từ đủ 70 tuổi đến 75 tuổi được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế. Vì theo quy định hiện nay chỉ những người từ đủ 75 - 80 tuổi có đủ các điều kiện mới được hưởng các chính sách này (điểm b, khoản 5, Điều 5; khoản 1 Điều 9 Nghị định số 20/2021). Thực tế hiện nay nhóm đối tượng người cao tuổi tại những khu vực kể trên ít có điều kiện tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe, chất lượng cuộc sống tương đối thấp so với người cùng lứa tuổi sinh sống tại những vùng khác. Vì vậy rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm đối tượng người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn.

Cử tri cũng thông tin, Nghị định số 20/2021 quy định người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì nhận mức hỗ trợ 360.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, theo thống kê chung thì tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ở mức 73 tuổi, nhưng tuổi khỏe mạnh chỉ ở mức khoảng 64 tuổi nên đề nghị nghiên cứu, thay đổi mức tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi hạ xuống mức: từ đủ 75 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, Nghị định 20 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó, tại điểm b khoản 5 Điều 5 của Nghị định quy định về việc trợ cấp xã hội cho các đối tượng là người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, các cụ cao tuổi cùng lứa tuổi đang sinh sống ở xã vùng III có mức sống không chênh lệch nhiều so với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì vậy, đề nghị xem xét mở rộng, bổ sung đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội bao gồm các cụ từ 75 đến 80 tuổi đang sinh sống ở vùng III cho phù hợp.

Một kiến nghị nữa là người cao tuổi đến 80 tuổi trở lên mới được hưởng trợ cấp xã hội là độ tuổi cao so với tuổi thọ trung bình người dân nên kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội của người cao tuổi từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi để nhiều người cao tuổi có cơ hội được hưởng các chính sách của Nhà nước.

Cử tri còn kiến nghị điều chỉnh, bổ sung về chế độ chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 136/2016 ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, theo quy định người hưởng chế độ người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên. Đề nghị hạ độ tuổi xuống từ đủ 75 tuổi, nhằm tạo điều kiện người cao tuổi và cho tất cả đối tượng, kể cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã nghỉ hưu sớm được hưởng chế độ.

Theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 5 Nghị định 20 thì người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Tuy nhiên, đối với các tỉnh miền núi, các địa bàn vùng khó khăn thì khoảng cách chênh lệch giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khá giả không xa. Do vậy, đề nghị nghiên cứu, áp dụng chung chính sách trên cho tất cả các đối tượng là người cao tuổi từ 75 tuổi ở địa bàn khó khăn.

Chương II điểm b, khoản 5, Điều 5 Nghị định số 20 quy định người cao tuổi từ đủ 75-80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sinh sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Cử tri kiến nghị sửa đổi nội dung bỏ cụm từ “sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn”. Vì nếu quy định như vậy các xã có vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng không phải thôn đặc biệt khó khăn thì sẽ không thực hiện được.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời

Thời gian vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã 3 lần trình Chính phủ ban hành văn bản quy định hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội, nâng mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi: Nghị định số 30/2002 ngày 26/3/2002 quy định người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội; Nghị định số 67/2007 ngày 13/4/2007 quy định giảm độ tuổi người cao tuổi xuống còn 85 tuổi; Nghị định số 06/2011 ngày 14/01/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi một lần nữa giảm độ tuổi người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội của Nhà nước được hưởng trợ cấp xã hội xuống còn từ đủ 80 tuổi.

Ngày 15/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 20 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó đã mở rộng thêm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc quy định tại điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định này đang sống tại các địa bàn xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Việc mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi là một cố gắng lớn của Chính phủ trong bối cảnh cả nước đang tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, Điều 4 Nghị định số 20 quy định tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định: Mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn, bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này; đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Trên cơ sở đó, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội; đối tượng người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại địa phương.

Về quy định người có lương hưu cũng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Người cao tuổi thì đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng. Đây là chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có nguồn thu nhập như lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng nhằm hỗ trợ người cao tuổi bớt khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên đã có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì không được hưởng. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng hợp ý kiến cử tri, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Người cao tuổi.

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>