Trả lời kiến nghị của cử tri

21/04/2023 | 09:04 GMT+7

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có các văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Hậu Giang về vấn đề sách giáo khoa dùng chung và xem xét chế độ chính sách cho thương binh.

Bé chăm học ở Trường Tiểu học Vị Thanh 1, huyện Vị Thủy.

Cử tri kiến nghị:

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nên thống nhất bộ sách giáo khoa đạt chuẩn quy định để áp dụng chung cho các bậc học. Vì hiện nay sách giáo khoa thường xuyên được thay đổi gây khó khăn trong quá trình giảng dạy của giáo viên, tạo áp lực cho học sinh khi tiếp cận, bên cạnh đó còn gây tốn kém nhiều kinh phí cho các gia đình phụ huynh học sinh, đây là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời:

Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định: “Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh, định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.

Luật Giáo dục 2019 quy định: “Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội”.

Như vậy, vai trò của sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT;) đã khác so với sách giáo khoa hiện hành (Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT). Các sách giáo khoa khác nhau được biên soạn với ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là cụ thể hóa Chương trình, nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục được quy định trong Chương trình. Việc dạy học và kiểm tra, đánh giá thực hiện theo Chương trình.

Các sách giáo khoa được ban hành đưa vào sử dụng đều phải được biên soạn, thẩm định theo quy định tại Thông tư số 33 ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (Thông tư 33) và Thông tư 23/2020, Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 33.

Bộ GD&ĐT đang tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện biên soạn sách giáo khoa, lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương nhằm bảo đảm chất lượng và sử dụng sách giáo khoa được ổn định, lâu dài, tránh lãng phí.

Cử tri kiến nghị:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét những đối tượng thương binh trước đây đã được giám định xong nhưng chưa đạt tỷ lệ được công nhận là thương binh, đến nay do vết thương lâu ngày đã có diễn biến tái phát. Kiến nghị có chính sách cho rà soát giám định lại tỷ lệ thương tật số thương binh chưa đạt trước đây, vì hiện nay số đối tượng thương binh này còn khá nhiều”.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:

Theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi, bổ sung năm 2020 và các văn bản hướng dẫn, việc giám định vết thương tái phát được quy định tại Điều 140 Nghị định số 131 ngày 30/12/2021 của Chính phủ.

Theo đó, chỉ đặt ra vấn đề giám định lại đối với các trường hợp thương binh có vết thương đặc biệt (như sọ não, thấu phổi, tim, gan, cột sống...) tái phát. Không có cơ sở đề xuất sửa đổi quy định về giám định lại đối với các trường hợp người bị thương đã được khám giám định và kết luận tỷ lệ thương tật dưới 21% như kiến nghị của cử tri.

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>