Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng

28/07/2023 | 08:29 GMT+7

Chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục rà soát, đảm bảo sự thống nhất về các điều kiện, tiêu chuẩn của từng loại đối tượng người có công với cách mạng và mở rộng phạm vi đối tượng cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay.

Viếng phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hậu Giang ngày 27-7-2023. Ảnh: T.T

Chăm sóc chu đáo

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của quy hoạch này hướng đến việc hình thành một hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Từ năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên công tác chăm sóc người có công với cách mạng vẫn được Đảng và Nhà nước ưu tiên quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần, do đó đời sống của người có công và thân nhân của họ vẫn được bảo đảm ổn định. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công luôn được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở.

Mới đây, dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Với Nghị định 55/NĐ-CP, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng, làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Theo ghi nhận ở cả nước, các phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin, tới đây, Nhà nước sẽ xây dựng chiến lược tài chính để thực hiện chính sách xã hội, trong đó có chính sách người có công, trên cơ sở nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa và sự tham gia của người dân. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực trong công tác chăm sóc người có công.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định

Về việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ưu đãi đối với người có công, chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục rà soát, đảm bảo sự thống nhất về các điều kiện, tiêu chuẩn của từng loại đối tượng người có công với cách mạng và mở rộng phạm vi đối tượng cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay; bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong tổ chức thực hiện, khắc phục những hạn chế, ngăn ngừa đối tượng lợi dụng chính sách để gian lận trong hưởng chế độ ưu đãi.

Cũng cần phải hoàn thiện hơn quy định về các chế độ trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng, nhất là các quy định ưu đãi về kinh tế - xã hội (mức, hình thức, phương pháp thực hiện, trách nhiệm hướng dẫn thực hiện...) theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời và sâu rộng các quy định về chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và các trình tự, thủ tục thực hiện.

Cần đẩy mạnh phong trào Đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tạo thêm nguồn phục vụ cho việc hỗ trợ, nâng cao mức sống người có công với cách mạng và thân nhân của họ, uy trì và phát triển nhiều hình thức, hoạt động đền ơn đáp nghĩa với nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện hiện nay. Từng bước giải quyết vấn đề nâng cao mức và mở rộng diện trợ cấp nhằm bảo đảm đời sống cho các đối tượng người có công theo mức độ huy động và động viên cao nhất tiềm lực, khả năng của đất nước và nhân dân.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác chăm sóc người có công. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện pháp luật, chính sách đối với người có công với cách mạng.

Ngoài ra, cần kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>