Thông tin về kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

13/08/2021 | 09:00 GMT+7

Do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh Hậu Giang đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh không thể tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp này.

Bà Thái Thu Xương (đứng), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hậu Giang, phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ.

Bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hậu Giang, cho biết như thế và thông tin thêm, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 9 ngày do điều kiện diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp. Các cơ quan bộ, ngành, địa phương vẫn phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch.

Kỳ họp tạo tiền đề, động lực và mở ra một khởi đầu tốt đẹp

Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ đã rất tích cực, khẩn trương, làm việc liên tục, ngoài giờ để bảo đảm hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với chất lượng tốt nhất và trong thời gian ngắn nhất, kết thúc kỳ họp sớm hơn 3 ngày so với chương trình đã được thông qua để tạo điều kiện các ĐBQH tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ở địa phương.

Quốc hội đã bám sát tình hình thực tế và kịp thời quyết định bổ sung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Nhìn chung, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã rất thành công, tạo tiền đề, động lực và mở ra một khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã ban hành 29 nghị quyết, trong đó có 17 nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, xem xét các báo cáo về tổng kết công tác bầu cử và kết quả xác nhận tư cách của đại biểu Quốc hội khóa XV; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Về kết quả tổng kết bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bà Thái Thu Xương thông tin, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp, cử tri bầu được 499 ĐBQH và 266.022 đại biểu HĐND các cấp. Quốc hội trân trọng cử tri và Nhân dân cả nước đã hưởng ứng, tham gia rất tích cực và có trách nhiệm, góp phần làm nên thành công của cuộc bầu cử.

Thảo luận và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng

Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hậu Giang thông tin thêm, cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, góp phần tạo tiền đề, động lực cũng như mở ra một khởi đầu tốt đẹp cho nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Theo đó, điều chỉnh bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 2 sang kỳ họp thứ 3. Chương trình năm 2022 gồm 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua và 2 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, trong đó dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến hai lần.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập 2 đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022. Bên cạnh các hoạt động giám sát tối cao theo quy định, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành” tại kỳ họp thứ 3 và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” tại kỳ họp thứ 4.

Ngoài ra, Quốc hội còn thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong đó, khẳng định cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nhất là sự xuất hiện các biến chủng mới, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, để ứng phó kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, sớm ổn định và kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội đã giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện 8 giải pháp cấp bách.

Trong đó, quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch. Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân.

Đoàn Hậu Giang tham gia đầy đủ các hoạt động tại kỳ họp      

Cũng theo bà Thái Thu Xương, trong thời gian diễn ra kỳ họp, các vị ĐBQH trong Đoàn của tỉnh chấp hành tốt Nội quy kỳ họp và sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội; tham gia đầy đủ các hoạt động tại kỳ họp. Từng ĐBQH trong Đoàn đều tập trung nghiên cứu; tích cực tham gia ý kiến đóng góp, thể hiện chính kiến của mình, góp phần hoàn chỉnh các báo cáo, Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp. Bên cạnh, các vị ĐBQH trong Đoàn của tỉnh tham gia các buổi làm việc với các Ủy ban của Quốc hội như: Ủy ban pháp luật; Ủy ban tài chính, ngân sách; Ủy ban văn hóa, giáo dục; Ủy ban đối ngoại và Ủy ban tư pháp.

Tại kỳ họp, các vị ĐBQH trong Đoàn đã tích cực, trách nhiệm tham gia 23 lượt ý kiến phát biểu, đóng góp (trong đó có 20 lượt ý kiến thảo luận Đoàn; 11 lượt ý kiến thảo luận Tổ; gửi 2 ý kiến đóng góp bằng văn bản). Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất cao với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu có giải pháp thực hiện cụ thể hơn Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhất là các tiêu chí xã nông thôn mới nên cụ thể hóa hơn nữa cho phù hợp với từng vùng miền (phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa vùng miền).

Bên cạnh, cần nâng cao hơn nữa vai trò của người dân trong bảo vệ các chỉ tiêu đạt được (tuyên truyền người dân bảo vệ tiêu chí, xem đó là nhiệm vụ của người dân); phải gắn quyền lợi với trách nhiệm của người dân trong xây dựng nông thôn mới; cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để sớm tạo miễn dịch cộng đồng. Qua đó kịp thời hòa nhập, hội nhập quốc tế cả về kinh tế và hợp tác toàn diện; cần quan tâm đầu tư cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn… nhằm giúp người dân an tâm sản xuất và ổn định trong cuộc sống.

Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước

Thông tin về công tác tổ chức, nhân sự, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, đây là nội dung trọng tâm của kỳ họp, có ý nghĩa quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong cả nhiệm kỳ, được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bảo đảm dân chủ và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của đại biểu.

Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước gồm: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 9 Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 4 thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

 

HỮU NGHỊ - GIA NGUYỄN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>