Số vụ cháy trên địa bàn tỉnh được kéo giảm

05/05/2023 | 04:54 GMT+7

Thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2020-2022, Hậu Giang đạt nhiều kết quả tích cực.

Thông tin với Đoàn Giám sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh - Quốc hội khóa XV, UBND tỉnh cho biết, tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99 về PCCC đạt nhiều kết quả về công tác triển khai, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật PCCC; tuyên truyền, phổ biến, xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC… Trong đó, việc nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (CNCH); xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh dập tắt đám cháy tại chợ Long Mỹ (thị xã Long Mỹ). Ảnh: Lý Anh Lam

Nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, CNCH

Thực hiện Nghị quyết 99, ngày 15-7-2022, UBND tỉnh ban hành Công văn 1018 về việc nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống cấp nước chữa cháy và sử dụng nguồn nước chữa cháy trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị cấp thoát nước tổ chức bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước PCCC trên địa bàn quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xâm phạm bến bãi lấy nước cho xe chữa cháy. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 318 trụ nước chữa cháy (269 trụ hoạt động bình thường, 46 trụ hư hỏng), 302 bể nước chữa cháy của cơ sở, 39 bến bãi xe chữa cháy lấy nước được và hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi, bảo đảm phục vụ hiệu quả chữa cháy và CNCH.

Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chữa cháy và CNCH, gồm: tổng đài 114 trang bị 2 máy điện thoại cố định, 1 bộ máy tính vận hành App “Báo cháy 114”, 1 trụ ăng ten thu phát sóng bộ đàm, 17 bộ đàm cầm tay, 5 bộ đàm trên xe, 3 loa pin và 3 máy phát điện dự phòng.

Khảo sát lập mới 610 phương án chữa cháy và 817 phương án CNCH; tổ chức thực tập 125 phương án chữa cháy và 629 phương án CNCH. Công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, CNCH được tổ chức thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Công an và Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa cháy, nổ, nâng cao khả năng ứng phó, chủ động xử lý có hiệu quả các tình huống cháy, nổ khi xảy ra. Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt công tác củng cố xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH bảo đảm đủ số lượng, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế tại địa phương.

Việc phát triển mạng lưới các đơn vị cảnh sát PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo lộ trình của Bộ Công an. Hiện nay, mạng lưới trụ sở, doanh trại phục vụ PCCC và CNCH gồm 2 địa điểm chính: trụ sở làm việc của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và trụ sở Đội Chữa cháy và CNCH khu vực thị trấn Cái Tắc, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (hiện đang nằm chung Cụm nhà làm việc Cảnh sát PCCC và CNCH, Cảnh sát giao thông khu vực Cái Tắc). Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tổ chức đánh giá thực trạng, đề xuất đưa nội dung phát triển mạng lưới các đơn vị cảnh sát PCCC và CNCH vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kết quả thực hiện mục tiêu giảm số vụ cháy, nổ: Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, trong đó lực lượng công an huyện giữ vai trò chủ công, nòng cốt trong tham mưu chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCCC và CNCH, từ đó, số vụ cháy trên địa bàn tỉnh trong 3 năm (2020, 2021, 2022) được kéo giảm so với thời gian liền kề (11/12 vụ = -8,3%).

Phát huy hơn nữa sức mạnh của hệ thống chính trị trong PCCC và CNCH

Từ quá trình thực hiện Nghị quyết số 99, Hậu Giang đúc kết được một số bài học kinh nghiệm.

Cụ thể, các cấp ủy đảng, chính quyền phải thường xuyên quan tâm, chỉ đạo việc huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia thực hiện PCCC và CNCH. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan.

Làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nắm và thực hiện nghiêm về các quy định PCCC, kiến thức PCCC, cách thoát nạn cơ bản để mỗi người tự chủ động biết cách phòng cháy và tích cực tham gia các hoạt động PCCC, CNCH; bám sát địa bàn cơ sở để xây dựng phong trào toàn dân tham gia.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, cơ sở trong công tác này, có như thế mới đem lại hiệu quả tích cực, các điều kiện an toàn PCCC mới được duy trì, nguy cơ gây cháy được loại trừ, khi có cháy xảy ra đều được phát hiện và dập tắt kịp thời, không để cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Đồng thời, thực hiện tốt việc phân cấp nhiệm vụ và tăng cường biên chế cán bộ chuyên làm công tác PCCC cho công an cấp huyện, cấp xã nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý công tác PCCC ở cấp cơ sở.

Việc thực hiện công tác PCCC, CNCH phải đảm bảo đồng bộ trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Trong đó, quan tâm làm tốt công tác quy hoạch hạ tầng PCCC để có lộ trình đầu tư xứng tầm, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC, CNCH trong tình hình mới. Bên cạnh đó, chủ động sơ kết, tổng kết công tác này để kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những nơi còn yếu kém, biểu dương khen thưởng và nhân rộng các địa phương, đơn vị, cá nhân làm tốt công tác PCCC.

Công tác kiểm tra an toàn PCCC phải được quan tâm thực hiện thường xuyên, đúng quy định, có trọng tâm, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về PCCC; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, không an toàn, có nguy cơ cháy lớn và đe dọa tính mạng con người. Đối với các vụ cháy xảy ra, phải tập trung làm rõ nguyên nhân để xử lý sai phạm và rút kinh nghiệm.

Tập trung xây dựng mạng lưới các đơn vị cảnh sát PCCC, CNCH đủ về số lượng, đảm bảo chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, phải chú trọng xây dựng, củng cố, duy trì tốt hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng, đặc biệt là ở những cơ sở, địa bàn trọng điểm có nhiều nguy cơ cháy nổ, để lực lượng này thực sự xứng đáng là nòng cốt trong công tác PCCC tại các cơ sở và khu dân cư.

Gắn với tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH để bảo đảm cho lực lượng chủ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sau thời gian thực hiện Nghị quyết 99, UBND tỉnh có đề xuất về hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến PCCC. Theo đó, đề xuất Bộ Công an tham mưu cấp thẩm quyền ban hành quy định cụ thể về cơ chế hoạt động của lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở và PCCC chuyên ngành để bảo đảm hoạt động thống nhất, đạt hiệu quả.

Về xây dựng lực lượng PCCC; kinh phí phục vụ hoạt động PCCC; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động PCCC: Đề xuất Bộ Công an tăng cường tham mưu phân bổ kinh phí cho lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh để phục vụ công tác này tại địa phương.

 

T.T

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>