Quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long

08/04/2022 | 09:23 GMT+7

Đây là yêu cầu của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội thảo “Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực đồng bằng sông Cửu Long” do Ủy ban Dân tộc của Chính phủ phối hợp Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang tham dự hội thảo này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo tập trung thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) nói trên, xác định rõ những giải pháp đặc thù trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và các chương trình MTQG trên địa bàn các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 nói chung; công tác lập kế hoạch, tổ chức thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát; việc lồng ghép nguồn lực của địa phương. Đồng thời, làm rõ bên cạnh việc củng cố hạ tầng thiết yếu thì phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh trong khu vực cần quan tâm nhiều hơn tới việc đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, chăm lo đời sống tinh thần của người dân đi cùng với hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu chính đáng…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hội thảo chính là sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị đối với đồng bào dân tộc, công tác dân tộc và sự phát triển của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Thanh Mẫn nêu rõ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của cả nước, có vị trí địa chính trị và địa quân sự hết sức quan trọng. Những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo, sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của Nhân dân, đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Khẳng định vị trí trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn trái hàng đầu của cả nước.

Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thông tin, thể chế hóa chủ trương của Đảng, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 88 (ngày 18/11/2019) phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Kỳ họp thứ 9, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 120 (ngày 19/6/2020) phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Việc thông qua 2 nghị quyết khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tạo bước đột phá trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Đây cũng là động lực to lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, vì vậy Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ mong muốn hội thảo sẽ nêu những kinh nghiệm thành công, những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các đề xuất các giải pháp thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm đến sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, về phát triển nguồn nhân lực, xác định đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực chính để khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù riêng có của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực. Đồng thời phát huy tinh thần tự lực phấn đấu vươn lên của người dân để phát triển nhanh và bền vững.

Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, phải chú trọng xây dựng hạ tầng nông thôn, bảo đảm tất cả các xã, thôn có đường giao thông đi lại thuận lợi, có điện, hệ thống cấp nước, trường học, trạm xá, bưu điện và các cơ sở dịch vụ sản xuất thiết yếu.

Hội thảo cũng cần quan tâm bàn bạc đến giải pháp tổ chức liên kết sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động; giải quyết vấn đề thủy lợi, hỗ trợ cây, con giống, thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và phát triển công nghiệp, dịch vụ bảo đảm thị trường, đầu ra cho sản phẩm của đồng bào. Giải pháp phát triển văn hóa, giáo dục; nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi các di sản văn hóa, lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào; nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ dân trí; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng cần quan tâm hơn nữa đến giải pháp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, chú trọng công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, cảnh giác với âm mưu diễn biến hòa bình, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường hơn công tác vận động, tuyên truyền, để người dân thật sự là chủ thể tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>