Niềm tin và khát vọng của cử tri

03/06/2021 | 18:45 GMT+7

Những khát vọng, mong mỏi của cử tri đã gửi gắm đến đại biểu của mình và làm nên thành công cuộc bầu cử vừa qua. Vì vậy, đại biểu Quốc hội phải làm sao để tiếng nói nơi nghị trường phải kịp thời và mang đúng “hơi thở” của cuộc sống.

Bằng lá phiếu của mình, cử tri mong muốn có bộ máy nhà nước trong sạch và liêm khiết.

Từ đó, mỗi đại biểu trúng cử lần này cần nỗ lực nhiều hơn nữa, phải gần dân, sâu sát dân hơn nữa và biết cách lắng nghe tiếng nói của dân, trăn trở với những khó khăn, được - mất của dân để thật sự trở thành những chiếc “cầu nối” vững chắc giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Gửi trọn niềm tin vào lá phiếu

Trong niềm hân hoan, hơn 69 triệu cử tri cả nước đã nô nức đi bầu cử để lựa chọn 500 đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đó là niềm tin của cử tri và Nhân dân ta đối với Đảng, Nhà nước và những người ưu tú sẽ thay mặt cho cử tri và Nhân dân tham gia vào các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cầm lá phiếu trên tay, cử tri tin tưởng và kỳ vọng đất nước sẽ nhanh chóng vượt qua đại dịch, thực hiện thành công “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Không giấu sự phấn khởi và không ai bảo ai, cử tri tự giác và thực hiện rất nghiêm việc phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả đều đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, xếp hàng theo thứ tự, thực hiện đúng quy định về khoảng cách... tuân thủ theo sự hướng dẫn của các Tổ bầu cử tại địa phương.

Những việc làm tưởng chừng đơn giản ấy nhưng đằng sau đó đã nói lên tấm lòng và niềm tin mãnh liệt của cử tri và người dân đối với Đảng, làm nhân lên niềm tin tuyệt đối vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp mang đậm dấu ấn này.

Với Nhà nước, cử tri đã thể hiện quyền làm chủ của mình với niềm tin tất thắng. Bằng lá phiếu của mình, cử tri mong muốn có bộ máy nhà nước trong sạch và liêm khiết. Vì vậy, cử tri đã “chọn mặt gửi vàng” lựa chọn những ứng cử viên thật sự tiêu biểu là công bộc của dân, những người gần dân, trọng dân và vì dân.

Đối với Quốc hội, cử tri mong muốn có được Quốc hội chuyên nghiệp, trí tuệ, sáng tạo, có chiến lược và tầm nhìn xa để quyết đáp những vấn đề hệ trọng của quốc gia. Đất nước đang trên đường hội nhập rộng mở thênh thang. Quốc hội của dân, Quốc hội trong lòng dân, chính quyền các cấp hết thảy lo cho dân, lắng nghe dân, trọng dân cả trong suy nghĩ và hành động thì niềm tin nhân lên gấp vạn lần.

Cần sự tâm huyết của đại biểu

Hiệu quả từ hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri là yếu tố quan trọng giúp cử tri đặt niềm tin mạnh mẽ hơn vào vai trò của người đại biểu dân cử. Qua đó cũng giúp cho hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước tốt hơn, thể hiện rõ ràng, cụ thể, kịp thời trách nhiệm của mình với cử tri và Nhân dân.

Việc giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri cũng là cách thức quan trọng giúp đại biểu Quốc hội thu nhận được tiếng nói sâu sắc, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, những đòi hỏi của cuộc sống, từ đó đại biểu mới có những đóng góp xác thực, có tính đúng đắn, phát hiện tại nghị trường.

Làm thế nào để đại biểu Quốc hội tìm đến cử tri, nói với cử tri, lắng nghe cử tri và đưa được tiếng nói, kiến nghị của cử tri trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật, để từ đó các quyết sách của Quốc hội hợp với lòng dân. Đó là tâm tư mà ông Lê Văn Cuông cảm nhận sâu sắc trong hai nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII của mình.

Bởi theo ông Lê Văn Cuông, người đại biểu có tâm huyết, trách nhiệm sẽ tìm ra cách thức, tìm ra con đường đến với cử tri hiệu quả nhất. Ông cho rằng, muốn tìm hiểu về xóa đói giảm nghèo thì phải đến tận nơi nghèo khổ, những gia đình nghèo khổ để gặp gỡ, trao đổi, nghe người dân thể hiện tâm tư nguyện vọng hay đề xuất; chứng kiến cuộc sống thực tế của họ, chia sẻ thông cảm, có nhận thức, ý kiến xác đáng để chuyển lên Quốc hội.

Để nâng cao chất lượng công tác dân nguyện của đại biểu dân cử, nhiều ý kiến còn cho rằng, đại biểu dân cử cần chủ động tìm đến với cử tri và phải chủ động hơn, sáng tạo, linh hoạt hơn trong việc lựa chọn những vấn đề báo cáo với cử tri cũng như tổng hợp ý kiến của cử tri.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu từng nhận định, cử tri bầu ra mình, mình là đại diện của cử tri nên việc gắn bó, liên hệ mật thiết, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, còn cử tri giám sát lại mình, đó là thuộc tính của chế độ bầu cử. Để cử tri đóng góp với Quốc hội, theo ông Uông Chu Lưu, cần có sự cải tiến trong mối quan hệ gắn bó, liên hệ với cử tri.

Bên cạnh đề cao tính chủ động, trách nhiệm cá nhân của đại biểu Quốc hội trong mối liên hệ với cử tri, tại mỗi cuộc tiếp xúc cần đa dạng các thành phần tham dự, tránh tình trạng cử tri là lãnh đạo cơ sở, cán bộ khu dân cư… Theo ông Phan Xuân Dũng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIV, để đại biểu dân cử gần dân, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri thì trước hết phụ thuộc vào cách thức đến với cử tri của mỗi đại biểu Quốc hội.

Cử tri đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm công dân và tâm nguyện của mình trong việc chọn ra những đại biểu ưu tú nhất. Việc còn lại là Quốc hội sáng suốt lựa chọn những đại biểu tiêu biểu đứng ra chèo lái, điều hành hoạt động. Qua đó có định hướng, quyết sách đúng, hợp lòng dân để đưa đất nước phát triển nhanh hơn nữa.

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>