Những hoạt động trọng tâm của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh năm 2024

16/02/2024 | 07:52 GMT+7

Năm 2024, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xác định nhiều hoạt động trọng tâm trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, trao đổi thân tình với cử tri Hậu Giang.

Tích cực tham gia xây dựng luật

Nhằm nâng cao chất lượng trong công tác đóng góp ý kiến xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp cùng với chính quyền địa phương tổ chức các cuộc hội nghị mời chuyên gia, các ngành chuyên môn tham gia đóng góp ý kiến các dự án Luật theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội. Đồng thời, tổng hợp báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định.

Trong đó, sẽ tổ chức lấy ý kiến đóng góp 11 dự án luật trình Quốc hội thông qua: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp).

Ngoài ra, tổ chức lấy ý kiến đối với các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến làm cơ sở cho các Đoàn tham gia góp ý tại Kỳ họp.

Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024), Đoàn tổ chức lấy ý kiến đóng góp 13 dự án luật trình Quốc hội thông qua: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và một số dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến.

Tích cực giám sát, khảo sát

Năm 2024, Đoàn tiến hành tổ chức thực hiện giám sát 3 chuyên đề.

Chuyên đề theo Nghị quyết của Quốc hội “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”. Thời gian thực hiện trước ngày 30-01-2024.

Chuyên đề theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”. Thời gian thực hiện trước ngày 01-3-2024.

Và chuyên đề theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023. Thời gian thực hiện trước ngày 15-4-2024.

Đoàn tổ chức thực hiện giám sát 1 chuyên đề “Việc thực hiện, chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế”. Đồng thời tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội tham gia các hoạt động giám sát theo chương trình, kế hoạch của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội mà các đại biểu là thành viên.

Ngoài ra, tổ chức thực hiện giám sát, khảo sát những vấn đề nổi cộm được cử tri, Nhân dân quan tâm; giám sát, khảo sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến tại các kỳ họp Quốc hội; giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng và hoàn thiện báo cáo tổng kết công tác giám sát năm 2024 và kiến nghị một số nội dung để Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình hoạt động giám sát năm 2025; Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và tại phiên họp chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Đổi mới tiếp xúc cử tri

Tiếp tục đổi mới, cải tiến cách thức, phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức để các vị ĐBQH tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, tiến hành tổ chức tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, nhóm đối tượng mà đại biểu quan tâm, trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và những ý kiến đóng góp, phản ảnh của cử tri đối với địa phương, đất nước cũng như về hoạt động của Đoàn và của ĐBQH...

Qua đó, tổng hợp đầy đủ, kịp thời và phân loại theo từng nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương và địa phương xem xét giải quyết, trả lời cho cử tri. Theo dõi, phối hợp đăng tải các nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của bộ, ngành Trung ương qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Báo Hậu Giang và Đài Phát thanh - Truyền hình.

Tổ chức và duy trì công tác tiếp công dân định kỳ, thường xuyên tại Trụ sở Đoàn; xây dựng kế hoạch để các vị ĐBQH luân phiên tiếp công dân định kỳ theo quy định; kịp thời xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo phản ánh, kiến nghị của công dân theo quy định.

Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri đối với các Bộ, ngành, Trung ương và chính quyền địa phương. Xây dựng và hoàn thiện báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

K.L

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>