Nên quy định rõ cơ chế đảm bảo để thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình

16/06/2022 | 08:25 GMT+7

Thảo luận ở Hội trường Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, bày tỏ sự thống nhất cao việc Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến xem xét dự án luật sau gần 15 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Đồng thời khẳng định, việc sửa đổi bổ sung lần này sẽ khắc phục được những hạn chế, tồn tại của luật hiện hành.

Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, phát biểu tại hội trường.

Ngoài sự đồng tình với các nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, bà Lam cũng thống nhất cao với việc tổ chức hình thức tư vấn, hòa giải là giải pháp để phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả thuộc nội dung tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình (Mục 2, Chương II). Tuy nhiên, bà đề nghị có rà soát đối chiếu với các quy định hiện hành khác về hòa giải để phát huy nguồn lực hiện có cũng như tránh chồng chéo giữa các quy định.

Cụ thể, về hòa giải do cơ quan, tổ chức tiến hành (khoản 3, Điều 21), dự thảo quy định chung nên không rõ là cơ quan tổ chức nào, mà đã là cơ quan, tổ chức hòa giải thì phải có quy định trình tự thủ tục, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, giá trị pháp lý của kết quả hòa giải... Vì vậy, bà Lam đề nghị việc tổ chức hòa giải này thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở (trừ trường hợp hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự, trong đó có hòa giải ngoài tòa án theo quy định của Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án nhân dân).

Bởi theo Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, tính đến cuối năm 2021, cả nước có 87.359 tổ hòa giải với 600.472 hòa giải viên. Hiện nay, các hòa giải viên này đều là những già làng, trưởng bản, khu phố, ấp, thôn, xóm, là những người có uy tín trong cộng đồng. Họ là những người có kiến thức, có kỹ năng, hiểu biết pháp luật và cũng là những người gần gũi, nắm rõ tình hình của gia đình có xảy ra bạo lực gia đình.

Từ khi thi hành Luật Hòa giải năm 2012 đến nay, chúng ta hiện cũng có cơ chế tài chính, nguồn lực để đảm bảo cho tổ chức và hoạt động của hòa giải; bạo lực gia đình hay mâu thuẫn gia đình đều thuộc nội dung phạm vi thực hiện của hòa giải cơ sở. Nay nếu luật quy định rõ, thống nhất giao hòa giải bạo lực gia đình cho hòa giải cơ sở thì chỉ cần bổ sung thêm chính sách hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn thêm kiến thức, kỹ năng tư vấn hòa giải về phòng chống bạo lực gia đình cho đội ngũ này là đảm bảo hiệu quả, không phát sinh thêm lực lượng và cơ chế tài chính riêng nữa.

Đối với quy định góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư (Điều 23), bà Lam rất băn khoăn về quy định này vì việc góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư được tổ chức khi việc thực hiện hòa giải không thành mà chúng ta không phân định rõ loại hành vi bạo lực gia đình nào mà hòa giải không thành, sau đó tái diễn thì đưa ra cộng đồng góp ý, phê bình và góp ý phê bình này là thuộc phạm vi điều chỉnh của thực hiện Hương ước, Quy ước cộng đồng hay thuộc điều chỉnh của áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 và Nghị định 120/2021...

 Mặt khác, lên án người có hành vi bạo lực gia đình ra phê bình, góp ý tại cộng đồng mà không cần có yêu cầu của người bị bạo lực gia đình có thể sẽ xảy ra tác dụng ngược vì văn hóa của gia đình người Việt Nam là vẫn còn quan niệm “xấu chàng hổ thiếp”, không tự dưng “vạch áo cho người xem lưng”, “đèn nhà ai nấy sáng”... Nếu không khéo, hình thức này sẽ dẫn đến hành vi bạo lực gia đình càng trầm trọng và bạo hành nặng hơn hoặc gia đình tan vỡ do xấu hổ.

Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cũng băn khoăn, tại khoản 4, quy định UBND cấp xã có trách nhiệm giúp đỡ, tạo điều kiện cho tổ chức việc góp ý, phê bình tại cộng đồng..., vậy hỗ trợ, giúp đỡ ở đây bao gồm những nội dung gì? Có thể sử dụng được quyền lực nhà nước của chính quyền UBND cấp xã trong trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình bị đưa ra góp ý phê bình mà không đồng ý đến dự buổi phê bình đó thì sao?

Do đó, theo Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, vấn đề này nên có hình thức xử lý, răn đe rõ ràng hơn khi vi phạm (2 lần trở lên). Ngoài đưa vào Hương ước, Quy ước của cộng đồng và tùy tình hình thực tiễn, phong tục tập quán mà cộng đồng dân cư quyết định tổ chức góp ý phê bình với cách thức, nội dung phù hợp, hiệu quả hơn, tránh trường hợp tái bạo lực gia đình.

Thống nhất cao với mục tiêu phát hiện từ sớm, từ xa bạo lực gia đình; hỗ trợ, giúp đỡ tối đa người bị bạo lực gia đình và xử lý hành vi bạo lực gia đình mà dự thảo đã đề ra các quy định kèm theo những chế tài thực hiện như quy định về báo tin và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã, bà Lam còn băn khoăn với tính khả thi, sự đồng bộ với các quy định pháp luật khác.

Tại Điều 33, ở khoản 5, 7 quy định: Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoản cách tối thiểu; trong trường hợp gia đình có đám cưới, đám tang hoặc các trường hợp đặc biệt khác, người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình tiếp xúc với nhau thì người có hành vi bạo lực gia đình phải báo cáo với người ban hành quyết định cấm tiếp xúc dưới sự quản lý của công an cấp xã nơi xảy ra tiếp xúc giữa người bị cấm tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình.

Qua đó, bà Lam cho rằng, vậy cơ sở, pháp lý của quy định khoản cách an toàn cho cấm tiếp xúc là 50m hoặc cách thức quản lý ở đây của công an cấp xã như thế nào hay chăng công an được giao nhiệm vụ cứ phải đi theo mãi để giữ khi người bị cấm tiếp xúc được tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình? Vấn đề này rất khó cho người quản lý, nên cân nhắc nội dung trên.

Bà Lê Thị Thanh Lam còn đề nghị nên quy định rõ nguồn lực, tài chính và cơ chế đảm bảo để thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình, gồm nguồn ngân sách, nguồn xã hội hóa, nguồn hỗ trợ tự nguyện. Trong đó phát huy tối đa địa chỉ tin cậy, đầu tư xây dựng các cơ sở trợ giúp xã hội phải có đầy đủ điều kiện sinh hoạt, hỗ trợ kinh phí ăn uống, tạo được sự an tâm, ổn định lại tâm lý của người bị bạo lực gia đình, vì nguồn kinh phí hoạt động cấp xã rất khó khăn.

NGUYỄN NGUYỄN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>