Mở rộng dân chủ ở cơ sở

19/08/2022 | 08:19 GMT+7

Trong Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã tích cực cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội đánh giá là một dự án luật khó, có phạm vi ảnh hưởng, thu hút sự quan tâm chú ý của đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri cũng như toàn xã hội. Do đó, ngay từ đầu, các cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì soạn thảo cũng phối hợp rất tích cực.

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 6 Chương, 79 Điều; so với dự thảo đã trình Quốc hội thảo luận, dự thảo Luật lần này giảm một chương và tăng lên 5 điều; so với dự thảo Quốc hội đã thảo luận, dự thảo lần này chỉnh lý 77 Điều.

Thông tin tại phiên họp, đây là dự án Luật đã tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu Quốc hội và các ý kiến mới lấy bổ sung, đồng thời bổ sung làm rõ vai trò nòng cốt của Ủy ban Trung ương MTTQ, tổ chức công đoàn, đoàn thể xã hội khác trong bảo đảm nhân dân thực hiện quyền làm chủ ở cơ sở. Song do còn có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự cho ý kiến về 3 vấn đề lớn như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; xác định chủ thể và cách thức tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia bàn, quyết định các nội dung ở thôn, tổ dân phố; Ban Thanh tra nhân dân để tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh trình Quốc hội.

Đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã phối hợp với MTTQ và các cơ quan hữu quan chuẩn bị rất kỹ lưỡng dự án Luật lần này. Về bố cục, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thiết kế theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với khu vực doanh nghiệp, Bộ luật Lao động điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, còn Luật này điều chỉnh người lao động với tư cách là công dân để đảm bảo quyền làm chủ của công dân. Do đó, phạm vi điều chỉnh theo ý kiến của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra là hoàn toàn phù hợp, đúng với mục tiêu điều chỉnh và không có mâu thuẫn với Bộ luật Lao động.

Đối với nội dung liên quan đến Ban Thanh tra nhân dân, tương tự như phạm vi điều chỉnh của Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Ban Thanh tra nhân dân không chỉ có giá trị trong khu vực địa bàn dân cư mà còn có giá trị đối với địa bàn người lao động. Bởi, đây là cơ chế của công dân, khi quy định như vậy không những không có mâu thuẫn mà còn hỗ trợ thêm cho cơ chế trong Bộ luật Lao động. Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Ban Thanh tra nhân dân nên thành lập tại cả đơn vị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp…

Về quy định quyền thụ hưởng của Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét có nên bổ sung thêm một khoản của điều này về việc người dân, công dân được cung cấp thông tin; được yêu cầu cung cấp thông tin về chế độ, chính sách liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, nhất là vấn đề về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Trung ương và địa phương.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, mức độ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng, ngoài chế độ chính sách chung của Trung ương nhiều địa phương có thêm một số chính sách khác cao hơn mức Trung ương quy định. Do đó, quy định như vậy để người dân thấy được thành tựu phát triển của đất nước.

Dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao sự nỗ lực rất lớn của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã đưa nội dung về dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp vào dự án Luật với 2 Chương. Theo đó, Chương III quy định về thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị và Chương IV thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cần làm rõ hơn khi nào thì áp dụng quy định tại Chương III và khi nào áp dụng quy định tại Chương IV. Bởi trong cơ quan, đơn vị cũng có cơ quan, đơn vị có tư cách là người sử dụng lao động; cũng có người lao động với tư cách là người lao động trong quan hệ lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trong dự thảo Luật chưa có quy định phân định cụ thể đối tượng áp dụng các quy định này. Mặt khác, bà cũng cho biết, khái niệm người sử dụng lao động không phải là chỉ có tập thể, tổ chức, theo Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động còn có thể là cá nhân, cá nhân thuê mướn sử dụng lao động và có thể là hộ gia đình. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng cần làm rõ việc người lao động được cá nhân thuê mướn, hộ gia đình thuê mướn có được thực hiện dân chủ ở cơ sở hay không.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực bày tỏ tán thành với phương án trình của Ủy ban Pháp luật. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo Luật sử dụng thuật ngữ “đại diện hộ gia đình” là phù hợp. Bởi “cử tri” thì liên quan đến bầu cử, liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng thể hiện được vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam. Trên cơ sở Pháp lệnh 34/2007 có 3 nội dung “dân biết, dân bàn, dân quyết định trực tiếp”, như vậy trong dự thảo Luật lần này có mở rộng hơn nên đây là tiền đề rất quan trọng để thể chế hóa tinh thần của Đại hội XIII…

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>