Kiến nghị nhiều vấn đề sau giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

06/05/2022 | 07:00 GMT+7

Kết thúc giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận xét, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác này và được hầu hết cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành chương trình THTK, CLP, trên cơ sở đó thực hiện tốt cơ chế quản lý tài chính mới.

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát tại thành phố Vị Thanh.

Quan tâm thực hiện quy định về quyền tự chủ

Theo đó, tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Qua đó, khắc phục được những hạn chế, yếu kém, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ cụ thể, rõ ràng; công khai các định mức, tiêu chuẩn chế độ chi tiêu trong các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức giám sát, xây dựng phương án chi trả thu nhập, thực hiện tốt công tác công khai tài chính, góp phần cải tiến lề lối làm việc và cải cách hành chính.

Đoàn cũng đánh giá công tác xây dựng chương trình THTK, CLP ở một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, chưa xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tiết kiệm cụ thể, chưa xác định được các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo tiết kiệm, chưa bám sát vào đặc điểm, đặc thù của từng đơn vị để đặt ra chương trình hành động thiết thực.

Còn tình trạng thực hiện chưa tốt chế độ thông tin báo cáo, báo cáo chưa kịp thời, chất lượng báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc tổng hợp báo cáo chung tình hình THTK, CLP của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa khắc phục được tình trạng lãng phí trong tổ chức bộ máy và sử dụng lao động.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020) vẫn còn một số hạn chế như: Nguồn vốn đầu tư công chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển; việc huy động vốn đầu tư ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư qua các năm nhìn chung còn thấp; một số dự án tuy đã được bố trí vốn theo kế hoạch nhưng tiến độ giải ngân vốn không đạt kế hoạch giao, phải chuyển trả vốn hoặc bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và Luật Đầu tư công.

Các dự án, công trình trọng điểm còn vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài; thủ tục chuẩn bị hồ sơ dự án, phê duyệt thiết kế, nghiệm thu, quyết toán còn chậm; năng lực nhà thầu thi công còn hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Vẫn còn một số dự án, công trình trên địa bàn tỉnh chậm triển khai, chưa đưa đất vào sử dụng (còn 13 công trình, dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng).

Kiến nghị nhiều vấn đề để không tiếp tục lãng phí

Sau giám sát, ghi nhận ý kiến của các địa phương, đơn vị và đánh giá tình hình, Đoàn kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản quy định hướng dẫn thống nhất giữa Luật Ngân sách nhà nước với Luật Đầu tư công như: Điều 59 và Điều 72 Luật Ngân sách nhà nước quy định Thường trực HĐND xem xét phân bổ các khoản tăng thu, kết dư ngân sách địa phương; Điều 83 Luật Đầu tư công quy định HĐND quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

Kiến nghị đối với các dự án nhóm A, B sử dụng nguồn vốn đầu tư công thực hiện các gói thầu giai đoạn chuẩn bị đầu tư: tư vấn lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán… việc đấu thầu mất nhiều thời gian, do đó, đề xuất áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu các gói thầu nêu trên bằng hình thức chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu sẽ giảm giá 5% so với đấu thầu rộng rãi.

Kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ tại tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa (nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỷ lệ 100% thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và tiêu chí số 7 về chợ nông thôn (đạt chuẩn của Bộ Xây dựng) cho phù hợp với đặc trưng của từng vùng, miền, tránh tình trạng lãng phí. Thời gian qua, một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phải đảm bảo đạt 19 bộ tiêu chí được Chính phủ ban hành, trong đó có tiêu chí số 6 và tiêu chí số 7 khi xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng không phát huy hiệu quả, làm lãng phí ngân sách nhà nước.

Đoàn cũng kiến nghị đối với UBND tỉnh: Đưa nội dung THTK, CLP vào hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng công chức và người lao động; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nghiêm khắc xử lý khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý, coi THTK, CLP là một nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị gắn công tác này với công tác phòng, chống tham nhũng.

Tăng cường tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ, không đạt kế hoạch giao, phải chuyển trả vốn hoặc bị hủy dự toán theo quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công.

Chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh làm việc với các chủ đầu tư dự án đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, cam kết tiến độ triển khai dự án, nếu không thực hiện đúng cam kết tiến độ dự án thì thu hồi dự án giao đất cho nhà đầu tư khác tránh trường hợp để đất trống không sử dụng rất lãng phí trong khi người dân không có đất sản xuất.

Đề nghị UBND tỉnh trong thời gian tới chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong công tác sử dụng nguồn NSNN, đầu tư công (công tác lập, thẩm định, giao dự toán và thực hiện dự toán NSNN, công tác thanh quyết toán…), cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quyết toán đảm bảo hiệu quả theo đúng quy định pháp luật và cần xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm làm thất thoát, lãng phí nguồn NSNN.

Đối với một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh gây lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước mà các thành viên Đoàn giám sát có nêu đề nghị Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tiến hành rà soát và báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy xử lý, không để tiếp tục xảy ra tình trạng lãng phí, sẽ tạo dư luận không tốt trong xã hội.

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>