Không nên quy định việc chuyển nhượng, góp vốn của các thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

27/05/2023 | 15:35 GMT+7

Trong Chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV diễn ra mới đây, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, phát biểu ý kiến thảo luận tại Hội trường Quốc hội.

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, đề nghị, tại Khoản 21, Điều 4 về giải thích từ ngữ quy định “tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân”, Ban soạn thảo cân nhắc nên có quy định tổ chức hợp tác có tư cách pháp nhân, bởi trong luật đã đưa vào đối tượng áp dụng, trong đó bao gồm tổ hợp tác và các thành viên của tổ hợp tác. Việc cân nhắc quy định lại nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động của tổ hợp tác.

Còn tại Điểm a, Khoản 1, Điều 7 về các hành vi nghiêm cấm, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nhận định, trong đây chỉ quy định cấm việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký tổ chức hợp tác xã trong trường hợp không đủ điều kiện, từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, chứng nhận đăng ký tổ hợp tác trong trường hợp đủ điều kiện theo quy định của luật.

Nội dung trên không quy định việc cấm đối với liên hiệp hợp tác xã, nên đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm một nội dung liên quan đến liên hiệp hợp tác xã là cấp giấy chứng nhận đăng ký của liên hiệp tác xã trong trường hợp không đủ điều kiện, từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã trong trường hợp đủ điều kiện cho đầy đủ theo quy định trong đối tượng áp dụng được quyết định trong luật này.

Tương tự, tại Khoản 17, Điều 9 về quyền của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật, xử lý thành viên vi phạm điều lệ và giải quyết tranh chấp nội bộ, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu cụm từ “quy định giải quyết tranh chấp nội bộ” là phạm vi giải quyết ở mức độ nào. Do đó, cần bổ sung giải thích từ ngữ cụm từ “giải quyết tranh chấp nội bộ” để quy định chi tiết, cụ thể hơn trong quá trình thực hiện.

Riêng tại Khoản 1, Điều 21 chính sách đất đai quy định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính quyền địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đề nghị, Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về tiêu chí ưu tiên, thứ tự ưu tiên được quy định tại Khoản 1, điều này để dễ áp dụng trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam cũng cho rằng, về quy mô tổ chức quản trị đầy đủ được quy định trong luật có thể áp dụng trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm nhiệm Giám đốc, Tổng Giám đốc. Do đó, Ban soạn thảo cân nhắc không nên quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm nhiệm Giám đốc, Tổng giám đốc, vì số lượng thành viên hợp tác xã càng lớn thì nguyên tắc quản trị, quản lý và điều hành cần phải được tách bạch chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng nhằm tránh tình trạng lạm dụng quyền lực trong quản lý, điều hành hợp tác xã.

Trong khi đó, tại Điều 79 về chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên trong hợp tác xã, đại biểu Lê Thị Thanh Lam phân tích, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đều là tổ chức có tư cách pháp nhân, do các thành viên chính thức tự nguyện thành lập để họ tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, nên quy định việc trả lại phần vốn góp cho thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên ra khỏi hợp tác xã, không nên quy định việc chuyển nhượng, góp vốn của các thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm hạn chế tình trạng thâu tóm, chi phối của một nhóm cá nhân, tổ chức.

Về tổ chức đại diện của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại Khoản 1, Điều 110 quy định tổ chức đại diện của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã bao gồm cả hệ thống liên minh hợp tác xã Việt Nam được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội và pháp luật có liên quan, đại biểu Lê Thị Thanh Lam khẳng định, nếu quy định liên minh hợp tác xã được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội thì chưa thể hiện được vị trí pháp lý, vai trò của liên minh hợp tác xã mà liên minh hợp tác xã là tổ chức đại diện các tổ chức kinh tế, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể và làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với thành phần kinh tế.

Đó có thể nói là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên được thể hiện trong quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 20 ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, nên Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đề nghị, bỏ quy định liên minh hợp tác xã hoạt động theo quy định của pháp luật về hội.

Cũng theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định đối tượng áp dụng không có tổ hợp tác nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77 ngày 10-10-2019 quy định chi tiết về tổ hợp tác như thành lập, tổ chức hoạt động và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác. Theo dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã đưa tổ hợp tác vào đối tượng áp dụng.

Vì thế, để đảm bảo quy định thống nhất trong luật, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các nội dung quy định về tổ hợp tác tại các điều khoản trong luật giống như hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã. Ví dụ như tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 cần bổ sung quy định quyền, nghĩa vụ và người đại diện theo pháp luật của tổ hợp tác.

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>