Góp nhiều ý kiến đối với dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

17/06/2022 | 07:19 GMT+7

Phát biểu thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nói Luật Dầu khí sửa đổi rất cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để đảm bảo tính khả thi, hiệu lực; hạn chế những vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phát biểu tại Hội trường.

Ông Lê Minh Nam cho biết thêm, dự án Luật này có đối tượng, phạm vi điều chỉnh không rộng như các luật thông thường khác nhưng là luật có nội dung chuyên sâu, phức tạp; có những đặc thù về kỹ thuật chuyên ngành gắn với hợp tác quốc tế, đồng thời có yếu tố ảnh hưởng không chỉ về kinh tế, tài chính, ngân sách mà còn ảnh hưởng lớn đến chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Cơ bản đồng thuận với dự thảo luật do Chính phủ đề xuất, nhất trí với Báo cáo của cơ quan thẩm tra và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, song ông Nam cũng có nhiều đóng góp để luật sau khi ban hành điều chỉnh được các quan hệ phát sinh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách trao đổi, chúng ta đang có hoạt động đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài, tuy nhiên, tại dự thảo về Phạm vi điều chỉnh ở Điều 1 chỉ quy định hoạt động “điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì liệu đã đủ bao trùm về phạm vi hay chưa? Trong khi khoản 2 Điều 47 Luật hiện hành có nêu phạm vi áp dụng là “Trên các công trình, phương tiện, thiết bị của tổ chức, cá nhân Việt Nam phục vụ cho các hoạt động dầu khí trên cơ sở hợp tác với nước ngoài tại các vùng không thuộc quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đồng thời, gắn với đối tượng áp dụng tại Điều 2 dự thảo Luật là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí” nêu trên cho thấy không có quy định đối tượng áp dụng đối với hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Đại biểu này thông tin thêm, theo thuyết minh của cơ quan soạn thảo, việc không quy định do hoạt động đầu tư nước ngoài đã có tại Luật Đầu tư 2020. Tuy nhiên nếu tiếp tục đối chiếu với Điều 4 dự thảo về Áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế cũng chưa rõ quy định trường hợp áp dụng đối với hoạt động này, chưa kể việc dẫn chiếu sang Luật Đầu tư. “Vì vậy, tôi cho rằng, nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định có thể sẽ tạo nên những khoảng trống pháp lý khi tổ chức thực hiện và quản lý hoạt động đầu tư khai thác đầu khí ở nước ngoài”, ông Nam nhấn mạnh.

Cũng với Điều 4 dự thảo quy định “Áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế” đang được lồng ghép Điều 2a và Điều 49 của Luật hiện hành nhưng không giữ lại nội dung “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Luật này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”... Theo thuyết minh của cơ quan soạn thảo thì nội dung biên tập đã thống nhất với Luật Đầu tư và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu Nam cho rằng, hoạt động dầu khí tại Việt Nam với đặc thù khoảng 80% dự án có sự tham gia của đối tác nước ngoài, vì vậy nếu Chính phủ phê duyệt nội dung Hợp đồng dầu khí thì có thể có giá trị như ký kết hiệp định… Trong khi khoản 3 Điều 4, dự thảo hiện đề xuất “Trong trường hợp pháp luật Việt Nam không có quy định, đối với hợp đồng dầu khí trong đó có ít nhất một bên tham gia là nhà thầu nước ngoài, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng dầu khí việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế nếu hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế đó không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Như vậy, trường hợp nếu phải cam kết hợp đồng theo luật pháp nước ngoài hoặc thông lệ công nghiệp dầu khí có nội dung trái với pháp luật Việt Nam thì cần ứng xử như thế nào?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách trao đổi thêm, xem xét cả 3 điều 1, 2 và 4 dự thảo thì hoạt động đầu tư ở nước ngoài cũng không rõ cơ sở áp dụng tại quy định nào, còn nếu coi như áp dụng theo quy định tại Chương V Luật Đầu tư 2020 về hoạt động đầu tư ra nước ngoài thì cũng chỉ có quy định khung cho hoạt động đầu tư nói chung, chứ chưa tính đến những đặc thù của hoạt động dầu khí ví dụ như là hợp đồng là phân chia sản phẩm hoặc là hoạt động tận thu tài nguyên dầu khí chứ không theo cách của các doanh nghiệp thông thường. Đặc biệt, đối chiếu với điểm 3 Điều 4 của Luật Đầu tư 2020 về Áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan hiện đang quy định “trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thì thực hiện theo Luật Đầu tư”, nhưng lại ngoại trừ trường hợp “về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Dầu khí”. Như vậy, với 2 nội dung nêu trên, khi Luật Đầu tư thì đã ngoại trừ, nhưng dự thảo Luật Dầu khí lại bỏ ngỏ thì cơ sở pháp lý sẽ áp dụng ở đâu, Luật nào?

Đại biểu Nam nói một số đại biểu trước đã nêu, quy định tại khoản 2 Điều 4 Dự thảo Luật đang nêu chung trường hợp quy định tại luật khác nếu khác với Luật Dầu khí thì áp dụng theo Luật Dầu khí, nhưng không quy định đủ, cụ thể ở các điều khoản tiếp theo thì chưa thể giải quyết triệt để được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Nếu không quy định rõ, khi tổ chức thực hiện có thể dẫn đến những vướng mắc làm lãng phí nguồn lực đầu tư hoặc không dễ dàng xử lý dứt điểm tồn tại, hạn chế nếu nảy sinh.

 Từ những lý do nêu trên, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để có quy định cụ thể, phù hợp làm cơ sở pháp lý để ký kết hợp đồng dầu khí, đồng thời tạo hành lang pháp lý chặt chẽ khi áp dụng thực tiễn, tránh những vướng mắc, tranh chấp phải giải quyết với đối tác nước ngoài cũng như tạo điều kiện thuận tiện cho công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò khai thác dầu khí...

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>