Góp nhiều ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

17/11/2023 | 09:06 GMT+7

Tích cực góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ĐBQH và các chuyên gia nêu nhiều ý kiến tâm huyết, mong muốn luật đi sâu vào cuộc sống, điều chỉnh kịp thời các mối quan hệ phát sinh.

Bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, cây trồng trên đất là vấn đề bàn thảo nhiều trong các lần sửa đổi đạo luật đất đai.

So với Luật Đất đai hiện hành, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều quy định mới về quản lý sử dụng đất đai.

Cụ thể là bỏ khung giá đất, cách tính giá đất theo giá thị trường, vấn đề thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai… Một số chính sách về đất đai thay đổi sẽ có tác động mạnh mẽ tới thị trường bất động sản, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật Đất đai có tầm ảnh hưởng lớn, gây ảnh hưởng, chi phối, điều tiết rất nhiều ngành luật khác có liên quan. Tầm ảnh hưởng lớn và có tác động quan trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai sẽ khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị.

Đặc biệt, đối với hoạt động của các doanh nghiệp thì Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Dự án Luật khai thác Tài nguyên và Khoáng sản có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia trong quan hệ kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn thì Luật Đất đai sửa đổi cũng cần đảm bảo sự đồng bộ, tương thích của các luật liên ngành.

Tiến sĩ Nhung nói: Trong bối cảnh các doanh nghiệp và thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới thì việc tháo gỡ những hạn chế, tồn tại lớn của Luật Đất đai năm 2013 là sớm ngày nào tốt ngày đó để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm tạo ra động lực cho thị trường bất động sản và nền kinh tế nói chung vực dậy sau đại dịch.

Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Những điểm mắc lớn có thể đề cập đến như các vấn đề liên quan đến khung và bảng giá đất trong thực thi luật dẫn đến tình trạng là người dân không kê khai trung thực giá trị mua bán để tránh thuế dẫn đến việc khó có được thông tin thống kê chính xác về giá trị bất động sản trong giao dịch.

Bảng và khung giá đất hiện tại thấp hơn thực tế nhiều lần cũng dẫn đến việc khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng khi người dân không hợp tác với Nhà nước vì giá được thanh toán thấp nhiều lần so với thị trường. Việc công bố và xác định giá đất đã được ủy quyền cho UBND cấp huyện. Đây cũng là vấn đề cần được nghiên cứu thận trọng và có quy định cụ thể trong thực tiễn.

Cũng theo chuyên gia Nhung, kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất là vấn đề cấp thiết trong hoạt động kiên quyết và kiên trì trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực đất đai.

Nhiều tầng lớp nhân dân, trí thức cũng như các doanh nghiệp rất mong muốn trong sửa đổi Luật Đất đai lần này bảng giá đất sẽ “mang hơi thở của cuộc sống” và có sức sống tiềm tàng để khơi dậy tiềm năng có được từ đất đai chứ không nên chỉ khô cứng trên bàn giấy. Đây phải là động lực để các doanh nghiệp vững bước trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế hiện nay.

Cần triển khai có hiệu quả ứng dụng chỉ số PAPI (đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương) vào việc đánh giá hiệu quả quản trị hành chính công ở Việt Nam. Đồng thời, là công cụ kiểm soát có hiệu quả quản lý đất đai về công bố công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tại UBND cấp tỉnh. Công bố bảng giá đất công khai trên cổng thông tin của UBND cấp huyện đã giúp cho người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh…

Điểm vướng lớn thứ hai mà các doanh nghiệp và thị trường bất động sản kỳ vọng vào dự án Luật Đất đai sửa đổi sắp tới sẽ giải quyết là việc chưa có quy định rõ ràng, cụ thể liên quan đến các mô hình đầu tư kinh doanh bất động sản kiểu mới,… khiến cho các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm trên vẫn đang loay hoay chờ hành lang pháp lý.

Một điểm vướng nữa mà doanh nghiệp mong chờ Luật Đất đai sửa đổi sẽ giải quyết triệt để là tình trạng chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn giữa Luật Đất đai và các luật khác như các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch… Những điểm nghẽn trong quy định pháp luật sẽ dần được tháo gỡ.

Vấn đề bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất được triển khai sâu rộng và lấy ý kiến trực tiếp từ người dân có đất bị thu hồi và người dân có cuộc sống mưu sinh từ đất. Đất cho đồng bào dân tộc thiểu số cần được bảo tồn không gian sống, bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung trao đổi thêm: Để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ ngành kết hợp với hoạt động thông tin truyền thông để ghi nhận thực tế, tập hợp những ý kiến đóng góp của các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên môn cả trong và ngoài nước để đảm bảo chất lượng, tính khả thi của dự án Luật Đất đai sửa đổi…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội đang được quy định theo hướng minh bạch, quy định rõ các trường hợp thu hồi đất. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận thấy, quy định tại 5 khoản gồm khoản 9, khoản 10, khoản 15, khoản 18 và khoản 20 sẽ làm vô hiệu hóa khoản 32 Điều này.…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, ngoài quy định mở tại khoản 32 là khi có vấn đề thu hồi khác với các trường hợp được quy định ở những khoản trên thì Quốc hội phải sửa đổi luật. Như vậy, vẫn còn 5 khoản có quy định về khoản quét sẽ tạo nên sự không minh bạch và vô hiệu hóa khoản 32. Do đó, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban Kinh tế cân nhắc không quy định các khoản quét ở trong Điều 79 dự thảo Luật.

Liên quan đến nội dung về quỹ phát triển đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, không nên đưa vào quy định bởi sẽ liên quan đến Luật Đầu tư công. Chính phủ đang trình Phương án 2: Quỹ phát triển đất của địa phương là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tỉnh thành lập để tiếp nhận và ứng vốn phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư… Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, quy định này cần nghiên cứu để tránh trái với quy định của Luật Đầu tư công. “Về nội dung này, tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Kinh tế”.

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>