Đóng góp nhiều ý kiến đối với dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

08/06/2022 | 06:57 GMT+7

Góp ý kiến đối với dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), ông Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo; nhấn mạnh: Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) là luật có nội dung chuyên môn, chuyên sâu, với những quy định có tính kỹ thuật đặc thù ngành. Để luật được thông qua, sớm đi vào cuộc sống, điều chỉnh hầu hết các mối quan hệ phát sinh, đại biểu Nam đề nghị cần quan tâm bổ sung một số quy định cho phù hợp hơn.

Đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, phát biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Tán thành quy định về bảo hiểm nông lâm ngư nghiệp

Về chính sách phát triển hoạt động bảo hiểm quy định tại Điều 5 dự thảo luật, ông nói: Khoản 2 Điều 5 Nhà nước khuyến khích “Doanh nghiệp bảo hiểm nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ tiên tiến”, với quy định như vậy thì cần làm rõ thêm về đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích để quyết định có nên giữ khoản này tại Luật hay không?

Đại biểu Lê Minh Nam chia sẻ: Lý do là đầu tư ứng dụng công nghệ mới của các doanh nghiệp bảo hiểm chính là khoản đầu tư nhằm thích ứng với xu thế của môi trường kinh doanh và những thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ của khách hàng, vừa giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh; đồng thời cung cấp dịch vụ tốt hơn để cạnh tranh với các doanh nghiệp bảo hiểm khác - đây là hoạt động mang tính tự thân, đáp ứng điều kiện kinh doanh. Đặc biệt, nếu chủ yếu là ứng dụng công nghệ thông tin thì lại chính là yêu cầu về điều kiện kinh doanh đã được quy định tại Điều 12, Điều 13 dự thảo Luật. “Hơn nữa, thực tiễn hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang được hưởng những chính sách khuyến khích chung từ Nhà nước, như việc tập trung bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng chuyển đổi số - các chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ cũng như một số chính sách hỗ trợ khác cho doanh nghiệp. Vì vậy, nếu không xác định rõ được đối tượng, mục đích, ý nghĩa khuyến khích, tạo điều kiện một cách thuyết phục thì không nên giữ lại quy định này”, đại biểu Nam nói thêm.

Về quy định “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện đối với việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội khác” - khoản 4 Điều 5 dự thảo, ông Nam tán thành, cho rằng đây là quy định rất đúng đắn, giúp giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, đó là bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp với đặc điểm là luôn chịu những rủi ro khó lường, mức phí bảo hiểm thấp nên không khuyến khích các doanh nghiệp khai thác. Tương tự, các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội cũng ít được quan tâm do hiệu quả kinh doanh rất thấp.

Vị đại biểu này trao đổi: Vì mục tiêu an sinh xã hội, để khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường, Nhà nước quan tâm hỗ trợ phát triển vì người dân, vì cộng đồng xã hội là rất cần thiết. Báo cáo của Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 mới được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp ngày 23-5 vừa qua có nội dung cử tri ý kiến về việc một số doanh nghiệp bảo hiểm tạm dừng nhận bảo hiểm tàu cá cho dù Nhà nước đang có chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ. Thực trạng này qua tìm hiểu cho thấy các doanh nghiệp báo cáo do thua lỗ, thu không đủ bù chi nên tạm dừng thực hiện. Chính vì vậy, ngoài hỗ trợ trực tiếp cho người dân, quy định tại khoản 4 nêu trên nhằm có cơ sở pháp lý để hỗ trợ cho cả doanh nghiệp thực hiện các loại hình bảo hiểm này là rất phù hợp.

“Đồng tình về nội dung nhưng về kỹ thuật lập pháp, tôi cho rằng cần xem xét lại việc trình bày quy định tại khoản 4. Theo đó, đề nghị không quy định chi tiết biện pháp thực hiện các chính sách khuyến khích tại các mục a, b, c, d, đ, e, g bởi lẽ: Luật dự kiến giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết phù hợp định hướng phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, hơn nữa trong số các biện pháp đã nêu, tôi cũng chưa thấy sử dụng một số công cụ hỗ trợ rất hiệu quả như chính sách thuế, phí...”, đại biểu Nam bổ sung ý kiến.

Cũng với khoản 4 Điều 5 dự thảo, ông Lê Minh Nam nói một số nội dung quy định chi tiết tại dự thảo cũng cần xem xét lại, ví dụ như việc cho phép “đơn giản hoá điều kiện kinh doanh” là không hợp lý, vì chúng ta có thể cho phép đơn giản hoá thủ tục hành chính hoặc tạo điều kiện hỗ trợ khác, chứ cho phép đơn giản hoá điều kiện kinh doanh sẽ dễ tạo nên những hệ lụy tiêu cực, có thể dẫn đến các rủi ro khi thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm đối với các bên có liên quan…

Quan tâm về bảo hiểm nhân thọ

Liên quan đến các quy định về hợp đồng bảo hiểm, vị đại biểu này cho rằng cần xem xét thống nhất về các thuật ngữ sử dụng khi ban hành quy tắc bảo hiểm, thông tin giới thiệu chào bán sản phẩm bảo hiểm và trong ký kết hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.

Do bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm có tính chuyên môn sâu, theo tôi biết thì phần lớn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được triển khai áp dụng theo cách thức, thông lệ phổ biến của quốc tế, vì vậy một số thuật ngữ chuyên môn khi dịch ra tiếng Việt không có từ tương đương thông dụng và dễ hiểu. Điều này dẫn tới một số trường hợp người được bảo hiểm đọc nhưng chưa hiểu rõ, cặn kẽ, toàn diện điều khoản cam kết, mơ hồ cả về quyền và nghĩa vụ dẫn đến nguy cơ có thể bị từ chối chi trả bảo hiểm, hợp đồng bị vô hiệu hoặc nhận được quyền lợi không như mong đợi ban đầu.

“Từ những nội dung nêu trên, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định tại Luật nội dung yêu cầu thống nhất về thuật ngữ chuyên môn có tính chuẩn mực chung - được giải thích Việt hóa rõ ràng, hoặc có thể quy định: “các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài phải giải thích rõ ràng, đầy đủ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung liên quan đến nghĩa vụ quyền lợi khi giao kết hợp đồng bảo hiểm” tương tự như quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại Điều 19 Dự thảo luật…”, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị.

K.L lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>