Đại biểu Quốc hội bàn nhiều về người tiêu dùng trong nền kinh tế số

04/11/2022 | 08:23 GMT+7

Trong chương trình nghị sự tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội chia tổ thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có các dự thảo luật. Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu nêu nhiều ý kiến, mong muốn sau khi ban hành, luật sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Đại biểu thảo luận tổ về dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).

Cần đồng bộ

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện nay, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 7 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48. Các nhóm chính sách bám sát nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của Chỉ thị số 30/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Dự thảo cũng bổ sung một chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng xác định chính xác người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình; bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù; hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quy định rõ hơn về trách nhiệm chung và trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Công thương, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực được phân công quản lý và tại địa phương...

Thống nhất với sự cần thiết phải sửa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, cho rằng, luật hiện hành ban hành đã được 12 năm, để theo kịp sự phát triển kinh tế, thương mại và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong tình hình mới, các quy định trong dự thảo luật này cần được sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

Để hoàn thiện, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị dự thảo luật cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định cho phù hợp với khoản 3 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010…

Về khái niệm “người tiêu dùng” quy định tại Điều 3, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ, bởi theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tập trung bảo vệ người tiêu dùng cá nhân và đối tượng yếu thế, trong khi đó, khái niệm người tiêu dùng có phạm vi rộng, bao gồm cả người tiêu dùng là tổ chức và người tiêu dùng cá nhân.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nhấn mạnh, khái niệm “người tiêu dùng” quy định trong luật chưa rõ, chưa phù hợp với điều kiện hiện tại, nhất là với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Người tiêu dùng trong hình thức giao dịch truyền thống có nhiều khác biệt với giao dịch mới như giao dịch trên nền tảng số, giao dịch trên internet, vì vậy cần sửa đổi cho phù hợp hơn.

Đại biểu cũng cho rằng, khái niệm “quyền lợi người tiêu dùng” được coi là linh hồn của luật, nếu không giải thích rõ ràng sẽ không thể áp dụng, không đảm bảo tính khả thi, nhất là các quy định về tư pháp để bảo vệ người tiêu dùng. Chỉ khi xác định được khái niệm quyền lợi người tiêu dùng thì mới đảm bảo tính khả thi, đề nghị ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Bảo vệ người tiêu dùng trong nền kinh tế số

Một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch mua bán trên sàn thương mại điện tử, mua bán qua mạng cho phù hợp với thực tế, cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định đảm bảo nguồn lực cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, đề nghị rà soát lại các giao dịch đặc thù, ngoài việc căn cứ vào cách thức để giao dịch cũng cần rà soát lại những phương thức, cách thức giao dịch khác, đặc biệt là trách nhiệm của bên thứ ba có liên quan trong xu hướng giao dịch thương mại điện tử ngày càng phổ biến.

Đại biểu này bày tỏ mong muốn các quy định về hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được cụ thể và rõ ràng hơn trong bối cảnh ngày càng nhiều giao dịch có yếu tố nước ngoài, nhiều hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam cũng sử dụng các sản phẩm này.

Qua nghiên cứu dự thảo, đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, nêu ý kiến: Dự thảo quy định rất chặt chẽ và chi tiết các nội dung có liên quan đến các hoạt động giao dịch từ xa (thể hiện qua nội dung các Điều 38, 39, 40); hoạt động cung cấp dịch vụ liên tục (thể hiện qua nội dung các Điều 41, 42); hoạt động bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức bán hàng tận cửa (thể hiện qua nội dung các Điều 43, 44), bán hàng đa cấp (thể hiện qua nội dung các Điều 45, 46) và hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên (Điều 47) nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay vẫn còn rất đông người tiêu dùng chưa thành thạo về công nghệ số để thực hiện giao dịch điện tử trong mua bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; cộng thêm những hạn chế, bất cập của các luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các hoạt động này. Do vậy, các hành vi gian dối, lừa đảo thông qua các hình thức bán hàng trên đang diễn ra khá phổ biến, với mức độ ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng yếu thế và dễ bị tổn thương.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng, các hình thức bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp, bán hàng qua mạng (online) hiện nay đang phát triển với quy mô lớn; chủ yếu là các mặt hàng có trị giá cao, cụ thể như hàng thời trang, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm, hàng gia dụng, cây cảnh...

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Phần lớn những người kinh doanh dưới hình thức này không đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh, không khai báo doanh thu, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế... Ngoài hệ lụy phát sinh các hành vi gian dối, lừa gạt, lừa đảo mà nạn nhân thường thuộc về nhóm người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương như đã nêu, các hình thức bán hàng trên đã tạo sự bất bình đẳng đối với các hình thức bán hàng truyền thống, dễ dẫn đến nguy cơ là nơi tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gian, hàng giả trên thị trường và gây thất thu cho ngân sách nhà nước tương đối lớn.

Với những hệ lụy vừa nêu, đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng, dự thảo cần có nội dung liên quan đến việc tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với các hình thức kinh doanh vừa nêu. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định mang tính định hướng về biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi gian dối, lừa gạt, lừa đảo trong các nội dung giao dịch đặc thù đã nêu, làm cơ sở pháp lý giúp Chính phủ xây dựng các quy định cụ thể về vấn đề này, nhằm bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển thị trường kinh doanh an toàn, lành mạnh và phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Quan tâm đến tính khả thi của luật

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó bổ sung nhiều quy định nhằm bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương, bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù… nhưng đại biểu Khuất Việt Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của luật.

Theo đại biểu, mặc dù các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều được đề cập nhưng các chế tài bảo vệ lại nằm ở các luật khác, do vậy dự thảo luật cần phải lượng hóa một số quy định cụ thể hơn. Nếu không luật hóa trong luật này cần giao các cơ quan chức năng quy định để dễ dàng cập nhật các chế tài bảo vệ sang các luật khác, từ việc xử lý hành chính đến bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để người dân hiểu rõ và áp dụng trong thực tế.

Đại biểu Khuất Việt Dũng cũng băn khoăn về việc hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong dự thảo luật chỉ quy định chung chung, phần lớn là các quy định khung. Theo đại biểu, công cụ bảo vệ mạnh nhất với người tiêu dùng là cơ quan quản lý nhà nước, tiếp đến mới là các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, Hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Theo đánh giá, các ý kiến thảo luận rất thiết thực để Quốc hội hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Các nội dung sửa đổi đã đảm bảo phù hợp với xu hướng chung của thời đại, tuy nhiên phải bổ sung thêm nội dung về việc bảo vệ quyền lợi người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Bộ phận soạn thảo cũng sẽ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo luật trước khi ban hành về các đề nghị về tiếp tục thể chế hóa cụ thể hơn nữa, bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ và toàn diện các nội dung có liên quan trong các văn bản của Đảng mới được ban hành gần đây; rà soát, đối chiếu với các dự thảo luật đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử, tránh chồng chéo, mâu thuẫn…

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>