Cử tri đánh giá cao công tác dân nguyện của Quốc hội

18/02/2022 | 07:20 GMT+7

Theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình, tháng đầu tiên của năm 2022, Ban Dân nguyện ghi nhận nhiều tình cảm của cử tri đối với Quốc hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến.

Cử tri tin tưởng vào sự chăm lo của Đảng, Nhà nước

Theo đó, cử tri hoan nghênh, đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa” đã tổ chức thành công kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Trên cơ sở Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã khẩn trương, kịp thời ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc ban hành Nghị quyết này được cử tri đánh giá là phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam và cả quốc tế, là quyết sách chiến lược quan trọng, toàn diện cụ thể hóa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Theo ông Dương Thanh Bình, cử tri cả nước rất phấn khởi, tin tưởng vào sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, chúc tết gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, bác sĩ, nhân viên y tế, người lao động làm nhiệm vụ trực trong dịp tết, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, tạo sự lan tỏa, ấm áp toàn xã hội. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được đảm bảo, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên cả nước ổn định.

Cử tri cũng đặc biệt quan tâm và đề nghị xử lý nghiêm minh sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trong quá trình xét duyệt cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân; về số ca nhiễm Covid-19 tăng cao sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2022; về chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp tại trường; về việc mua vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; về tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; về tình trạng khan hiếm xăng trong thời gian gần đây do một số cây xăng đóng cửa, không bán hàng, giá xăng tăng cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân; về việc nhiều đối tượng sử dụng tài khoản Facebook, Zalo ảo rao bán các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả...

Kết quả công tác dân nguyện ở Hậu Giang

Thực hiện Luật Tiếp công dân; Nghị quyết số 759 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quy chế phối hợp tiếp công dân giữa Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Đoàn ĐBQH tỉnh, hàng tuần hoặc khi công dân có yêu cầu, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh có phân công ĐBQH và công chức làm nhiệm vụ trực tiếp công dân tại trụ sở Đoàn và Trụ sở tiếp công dân của tỉnh.

Năm 2021, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp 10 lượt công dân và nhận được 98 đơn của công dân trong và ngoài tỉnh chủ yếu gửi qua đường bưu điện: Đơn khiếu nại là 84 đơn; tố cáo là 9 đơn; phản ánh, kiến nghị là 5 đơn. Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền được 72 đơn. Qua đó, các cơ quan chức năng đã xem xét giải quyết và có văn bản trả lời được 72/72 đơn; hướng dẫn, giải thích 10 đơn; xếp lưu 16 đơn do có nội dung trùng lắp, gửi đến nhiều cơ quan chức năng, đơn hết thời hiệu để xem xét giải quyết, các đơn nặc danh…

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, Đoàn và các vị ĐBQH đã nghiêm túc, trách nhiệm nghiên cứu từng nội dung và tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn, phân loại để chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đồng thời theo dõi, giám sát, đôn đốc cơ quan chức năng giải quyết kịp thời đúng quy định pháp luật.

Đoàn đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tiếp xúc cử tri thông qua chương trình hành động chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các đơn vị bầu cử trong tỉnh.

Bên cạnh đó, sau kỳ họp thứ nhất, trước và sau kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH đã tổ chức cho các vị đại biểu gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại các đơn vị bầu cử trong tỉnh thông báo với cử tri về nội dung, chương trình kỳ họp; kết quả các kỳ họp; tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương, báo cáo kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Năm 2021, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức phù hợp. Đó là, sau kỳ họp thứ nhất, tổ chức tiếp xúc cử tri bằng hình thức phiếu lấy ý kiến cử tri tại 75 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tổ chức phát 2.875 phiếu lấy ý kiến, có 138 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trước kỳ họp thứ hai, tổ chức tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến và kết hợp phát phiếu lấy ý kiến gồm 10 điểm cầu (điểm cầu Nhà Quốc hội, điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy và 8 điểm cầu đơn vị cấp huyện) với số lượng 450 cử tri tham dự, có 13 lượt ý kiến, kết hợp phát phiếu ý kiến 75/75 xã, phường, thị trấn trong địa bàn tỉnh, tổ chức phát 2.625 phiếu và 2 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề đối với ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh và Công ty Điện lực Hậu Giang; cử tri ý kiến, kiến nghị các nhóm vấn đề có liên quan đến Trung ương có 307 lượt ý kiến.

Sau kỳ họp thứ hai, Đoàn phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri với hình thức trực tiếp tại 2 đơn vị cấp huyện và trực tuyến đến 3 điểm cầu cấp huyện, với số lượng 386 cử tri tham dự, có 10 lượt ý kiến. Qua tiếp xúc đã kịp thời xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Năm 2022, công tác dân nguyện tiếp tục được Đoàn ĐBQH tỉnh xác định nâng chất. Trong đó, tổ chức và duy trì công tác tiếp công dân tại trụ sở Đoàn và Trụ sở tiếp công dân tỉnh theo Luật Tiếp công dân; xây dựng kế hoạch để các vị ĐBQH luân phiên tiếp công dân định kỳ theo quy định; kịp thời xử lý đơn thư, phản ánh, kiến nghị của cử tri gửi đến; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết phản ánh, kiến nghị đối với các bộ, ngành, Trung ương và chính quyền địa phương theo quy định.

Đoàn sớm có kế hoạch phối hợp Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp thứ ba, thứ tư, Quốc hội khóa XV theo đơn vị bầu cử trên địa bàn tỉnh; tiếp xúc cử tri chuyên đề, lĩnh vực, nhóm đối tượng mà đại biểu quan tâm. Tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các cuộc tiếp xúc cử tri một cách đầy đủ, trung thực và kịp thời gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đồng thời theo dõi, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri theo quy định.

Công tác giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được thực hiện tốt

Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV; sau kỳ họp thứ nhất, trước và sau kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang ghi nhận, tổng hợp kịp thời kiến nghị của cử tri gửi đến các bộ, ngành Trung ương; đồng thời theo dõi, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, các văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Đoàn đã nhận được tổng số 14 văn bản của các bộ, ngành Trung ương. Các văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri được Đoàn phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức thông tin công khai rộng rãi tại các điểm khu dân cư; phối hợp với Báo Hậu Giang đăng nội dung văn bản trong chuyên mục “Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang”; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang phát sóng trên chuyên mục “Đại biểu dân cử với cử tri”. Nhìn chung, các nội dung trả lời của bộ, ngành và các cơ quan Trung ương đã tập trung giải quyết từng ý kiến, kiến nghị của cử tri, đúng với nội dung, sát với những vấn đề mà cử tri quan tâm.

 

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>