“Có những nội dung được kiến nghị đã lâu nhưng chưa được xem xét, xử lý”

26/05/2023 | 17:44 GMT+7

Chiều ngày 26-5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Lê Minh Nam phát biểu tại Hội trường Quốc hội vào chiều 26-5.

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, nói thực tế các năm qua, có những nội dung được kiến nghị đã lâu nhưng chưa được xem xét, xử lý.

Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khoá XV cho thấy, tỷ lệ giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đạt tỷ lệ 99,8%.

Đại biểu Lê Minh Nam đánh giá, đây là một kết quả rất tích cực, góp phần giúp cho ĐBQH khi tiếp xúc cử tri có cơ sở báo cáo đầy đủ về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị đối với những vấn đề mà cử tri, Nhân dân quan tâm; giúp cho các đại biểu có điều kiện thực hiện tốt hơn trách nhiệm tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Tuy nhiên, theo đại biểu này, qua tiếp nhận ý kiến của cử tri và nghiên cứu Báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, còn nhiều kiến nghị, đề xuất của cử tri liên quan đến những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, hoặc những khoảng trống pháp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quản lý.

Vì vậy, tôi xin trao đổi, đề xuất cần tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý để tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, giảm bớt khối lượng giải quyết kiến nghị, khiếu nại của cử tri”, ông Nam nhấn mạnh.

Cụ thể, đại biểu này đề nghị cần rà soát những đề xuất, kiến nghị của cử tri, theo đó xác định khoảng trống pháp lý tại các văn bản hiện hành hoặc những quan hệ xã hội mới phát sinh mà chưa có quy định pháp luật điều chỉnh để lập kế hoạch xây dựng bổ sung quy định pháp luật nhằm điều chỉnh, quản lý. Thực tế các năm qua, có những nội dung được kiến nghị đã lâu nhưng chưa được xem xét, xử lý.

Đại biểu Lê Minh Nam trao đổi thêm: “Cần tập trung rà soát để giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong các nghị định của Chính phủ. Khi các văn bản quy phạm pháp luật đã giao lại cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quy định chi tiết có nghĩa những nội dung này phải có hướng dẫn chi tiết mới có thể triển khai áp dụng trong thực tiễn, nếu không ban hành văn bản sẽ không đảm bảo tính hiệu lực pháp luật đối với các nội dung đã được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định.

Ví dụ như triển khai Nghị quyết số 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Cần Thơ tạo động lực phát triển cả vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng cần có hướng dẫn cụ thể. Thời gian thí điểm chỉ có 5 năm nếu không triển khai kịp thời sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tích cực”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu ví dụ cụ thể.

Song song đó là rà soát để khắc phục tình trạng một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Những vướng mắc này gây khó khăn cho tổ chức thực hiện, quản lý, kiểm tra, giám sát và khó khăn trong cả khâu xử lý sai sót, tồn tại nếu có. Thực tế thời gian qua cho thấy thực trạng này cũng có những tác động tiêu cực đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Ông Nam đề nghị khẩn trương thực hiện nghiêm các kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý do các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước kiến nghị huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung. Bởi lẽ, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc đã được nêu ở báo cáo thanh tra, kiểm toán nhà nước là những vướng mắc có thực trong thực tiễn áp dụng. Nếu không sửa kịp thời thì sẽ xảy ra một số tình huống: Không thể thực hiện được các hoạt động được điều chỉnh bởi các quy định đã được kiến nghị huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung; hoặc nếu tiếp tục thực hiện thì tiếp tục vi phạm hoặc không phù hợp quy định. Như báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước tại phiên họp ngày sáng 24-5 vừa rồi, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2022 các đơn vị mới thực hiện xử lý được 50/198 văn bản.

Đại biểu Lê Minh Nam: Cần điều phối việc phối hợp chặt chẽ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước có lĩnh vực quản lý đan xen, qua đó giảm thiểu những mâu thuẫn, vướng mắc, bất cập nhằm tạo hành lang pháp lý và công cụ quản lý, điều hành để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức.

T.T lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>