Chủ động phòng ngừa rủi ro, đầu tư hiệu quả hơn cho Hậu Giang và đồng bằng sông Cửu Long

19/11/2021 | 08:17 GMT+7

Theo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ xây dựng, ông Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, cho biết nội dung Kế hoạch rất đầy đủ, đồng bộ, là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện năm 2021 và các năm tiếp theo.

Quang cảnh Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Từ thực tiễn và tiếp nhận ý kiến cử tri, ông Lê Minh Nam có những trao đổi, phân tích trước khi Chính phủ tổ chức thực hiện kế hoạch.

Đại biểu Nam cho biết, Việt Nam đang đối diện với sự tàn phá của đại dịch Covid-19, cùng một lúc chúng ta đã phải trải qua những khó khăn, thách thức không chỉ là kép mà đa chiều với những tác động qua lại, làm khó khăn chồng khó khăn, vướng mắc chồng vướng mắc. Nếu xét về quy mô, mức độ khó lường, phức tạp trong giải quyết những vấn đề về an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc lựa chọn ưu tiên sức khỏe sinh mạng nên phải chấp nhận hy sinh về kinh tế, phải cân đối giữa ngắn hạn với dài hạn, giữa an toàn với hiệu quả; có thể nói là chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử.

Không dừng lại ở đó, những diễn biến khó đoán định của dịch bệnh chắc chắn sẽ còn tiếp tục thách thức, gây khó khăn cho chúng ta trong thời gian tiếp theo, cần được quan tâm, tháo gỡ, vì vậy, đại biểu này đề xuất những biện pháp cụ thể trước khi Chính phủ tổ chức thực hiện kế hoạch.

Cụ thể, trong bối cảnh khó khăn toàn diện, nguồn lực có hạn, chúng ta cần tập trung ưu tiên, phân bổ nguồn lực giải quyết những nội dung trụ cột dẫn dắt phát triển và những nhiệm vụ an sinh xã hội quan trọng, các nhiệm vụ ít cấp thiết thì xem xét xử lý sau. Quan điểm lựa chọn ưu tiên cần được sự đồng thuận, chia sẻ của cả hệ thống chính trị và người dân để đoàn kết, đồng lòng thực hiện hiệu quả kế hoạch, trong việc áp dụng chính sách tài khóa, tiền tệ thì cũng cần hoạch định nhằm đạt mục tiêu tổng thể dài hạn nhưng phải linh hoạt trong ngắn hạn, đảm bảo khả năng hấp thụ chính sách trong thực tế.

Đại biểu Nam nói thêm, để phát triển kinh tế số, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành và ứng dụng công nghệ số. Từ những thông tin tìm hiểu được, tôi cho rằng năng lực, trình độ ứng dụng của nguồn nhân lực hiện nay là chưa đảm bảo. Thực tế cho thấy, chương trình đào tạo tiêu chuẩn đầu vào trong thi tuyển, tuyển dụng, sắp xếp ngạch bậc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay thì chủ yếu là yêu cầu trình độ tin học văn phòng với những kiến thức cũng đã lạc hậu. Đào tạo nguồn nhân lực chung thì cũng chưa có định hướng cụ thể gắn với yêu cầu của nền kinh tế số. Trình độ hiểu biết để ứng dụng thành tựu công nghệ mới của xã hội cũng còn hạn chế... Vì vậy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam nói nếu không chủ động giải quyết sẽ dẫn tới những nguy cơ lạc nhịp khi công nghệ phát triển nhưng nguồn nhân lực không thể ứng dụng hoặc ứng dụng không hiệu quả.

“Phải triển khai các giải pháp đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng ứng dụng đại trà cho cả nguồn nhân lực và người thụ hưởng để các bên cùng tương tác, kết nối để phát triển kinh tế số một cách đồng bộ. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải có kế hoạch giải quyết hậu quả lao động dôi dư khi chuyển đổi kinh tế số”, đại biểu Nam đề xuất.

Ông Lê Minh Nam phân tích thêm: “Tự động hóa sử dụng robot có khả năng năng suất, hiệu quả cao sẽ thay thế lao động của nhiều ngành công nghiệp như là da giày, may mặc, lắp ráp trong tương lai gần. Xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ như ngân hàng điện tử, smart banking, thương mại điện tử, khám bệnh từ xa, dạy học trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu nhân lực ở các lĩnh vực này. Theo tôi chỉ 3 năm nữa biến động cơ cấu lao động việc làm sẽ rất khác biệt, nếu không chủ động kế hoạch giải quyết từ sớm, từ xa sẽ phải đối mặt với những hệ lụy tiêu cực trong thời gian sắp tới”.

Về sự phát triển của Hậu Giang và đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu này trao đổi: Để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, toàn diện trong phạm vi toàn quốc, từ tiếp nhận ý kiến cử tri cũng như tìm hiểu thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại Hậu Giang và đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy đây là một khu vực có đóng góp rất quan trọng nhưng hiện tại đang đối mặt với những tác động rất đáng quan ngại về thực trạng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, đặc biệt là hệ lụy của việc sử dụng quá mức nguồn nước đầu nguồn sông Mekong đã làm sụt giảm nghiêm trọng độ màu mỡ của đất để thâm canh quy mô lớn ở khu vực này.

Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm đầu tư phòng ngừa, hạn chế những tác động bất lợi, đồng thời xây dựng các giải pháp chủ động chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, dự báo, cảnh báo sớm nhằm lựa chiều thích ứng với tự nhiên để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng logistics, các kho bảo quản để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Nếu không đầu tư đúng mức cho dù phát triển mạng lưới giao thông liên kết vùng nhưng cũng khó phát huy được những hiệu quả và lợi thế từ liên kết thương mại...

Đại biểu Lê Minh Nam: Cơ cấu nền kinh tế không thể thoát ly với cơ cấu lại các vấn đề xã hội. Như chúng ta đã biết, cơ chế kháng bệnh do vi-rút chủ yếu dựa vào hệ thống miễn dịch của cơ thể. Theo đó, yếu tố tâm lý lạc quan, tích cực sẽ góp phần chủ động kích hoạt cơ chế tự khỏi bệnh. Thời gian qua, trong bối cảnh đẩy mạnh phòng dịch để tăng mức độ giáo dục ý thức, tôi cho rằng có tình trạng cảnh báo quá mức làm nhiều người cứ nghĩ đến là mắc Covid-19 là dễ tử vong, dẫn đến những phản ứng thái quá so với thực trạng. Điều này vừa tạo nên những phức tạp trong xử lý, vừa gây tâm lý stress, giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ nặng bệnh. Vì vậy, trong điều kiện và tình trạng chuyển sang thích ứng linh hoạt với dịch hiện nay, cùng với kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch thì chúng ta cũng nên cung cấp những thông tin thật khoa học, khách quan, tổng hợp những bài học kinh nghiệm tốt để xây dựng cẩm nang hướng dẫn cách tự xử lý ban đầu theo triệu chứng để phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, giảm được bấn loạn tâm lý, giảm phức tạp khâu xử lý ban đầu. Giảm mức độ thiệt hại do dịch bệnh cũng sẽ giảm áp lực và gánh nặng về kinh tế, về nhân lực, về thời gian và mang lại hiệu quả chung cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

TRÍ THỨC lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>