Cần đề ra các giải pháp ứng dụng hiệu quả thành tựu của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư

31/05/2023 | 20:16 GMT+7

Chiều ngày 31-5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đại biểu Lê Minh Nam phát biểu tại Hội trường.

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, đề xuất Quốc hội, Chính phủ quan tâm đề ra các giải pháp ứng dụng hiệu quả thành tựu của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, gọi tắt là 4.0.

Theo đại biểu này, để kịp thời ứng dụng 4.0, Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có các nghị quyết, quyết định để chỉ đạo, định hướng và tổ chức thực hiện ứng dụng 4.0; Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đang chuẩn bị được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế…

“Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão, với những bước tiến nhảy vọt, tôi cho rằng chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng và chủ động xây dựng kịch bản khai thác những giá trị tích cực, cũng như lựa chọn các giải pháp ứng phó để không tụt hậu, đồng thời đề ra các giải pháp nhằm chống chọi với những tác động tiêu cực và mặt trái của 4.0”, ông Lê Minh Nam nói.

Trong đó, đại biểu đề nghị, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện và kiến tạo, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng 4.0. Theo đó, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức về khả năng hấp thụ 4.0 để lựa chọn những chính sách phù hợp với năng lực, tiềm năng, thế mạnh và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Đồng thời, cần ưu tiên bố trí nguồn nhân lực, vật lực, tài lực đúng mức để tạo ra một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và các điều kiện nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp công cụ, phương tiện, giải pháp cho chuyển đổi số. Thực tế, vẫn còn tình trạng trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin được trang bị chưa đầy đủ, chưa đồng bộ: hệ thống vận hành còn bị nghẽn mạng, lỗi kỹ thuật, công tác số hóa dữ liệu tích hợp hệ thống còn bất cập; năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức vận hành còn chưa đáp ứng yêu cầu… nên nhiều trường hợp không thể cung cấp dịch vụ chuyển đổi số như mong muốn.

Đại biểu Lê Minh Nam cũng đề nghị cần quan tâm đề ra chính sách để kiến tạo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp và người dân cùng nỗ lực phối hợp ứng dụng 4.0.

“Theo đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực cần thiết để đẩy mạnh thực hiện. Thực tế cho thấy, ứng dụng 4.0 trong hoạt động công vụ, trong cung ứng dịch vụ công đã đạt những kết quả tích cực nhưng việc dẫn dắt, định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng 4.0 theo tôi cần phải tăng cường mạnh mẽ hơn nữa vì doanh nghiệp mới chính là chủ thể quan trọng tạo nên giá trị tăng trưởng, phát triển. Bên cạnh đó, cần giải quyết tình trạng nhiều người dân chưa có thói quen giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến – chỉ quen nộp hồ sơ và lấy kết quả trực tiếp; nhiều người dân chưa từng tiếp xúc công nghệ thông tin như máy vi tính, Internet, điện thoại thông minh... dẫn đến không thể sử dụng nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai 4.0”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu ý kiến.

Theo ông Nam, thời gian gần đây, số lượng các cuộc tấn công các trang mạng nhằm đánh cắp thông tin, đánh cắp thành tựu khoa học - công nghệ, sở hữu trí tuệ... ngày càng gia tăng. Tình trạng tội phạm lợi dụng ứng dụng công nghệ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phức tạp, khó lường. Vì vậy, đề nghị có giải pháp cả về pháp lý và kỹ thuật để đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống. Cần coi việc bảo đảm an toàn an ninh mạng cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là hết sức quan trọng và cần thiết ngang bằng với việc triển khai ứng dụng, có như vậy mới đảm bảo ứng dụng hiệu quả, an toàn, bền vững.

Đặc biệt cần có giải pháp chủ động ứng phó với hệ lụy tiêu cực của 4.0 liên quan đến tình trạng mất việc làm, thất nghiệp đang tạo nên những hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội.

Ông Lê Minh Nam dẫn chứng: Báo cáo Quốc hội, đánh giá tác động của 4.0, Viện Toàn cầu Mc Kinsey ước tính, đến năm 2030 sẽ có khoảng 400 đến 800 triệu việc làm trên toàn thế giới được thay thế bằng công nghe tự động hóa. Riêng tại Việt Nam, theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế, tính đến 2030, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự thay thế lao động khi ứng dụng công nghệ số, dẫn đến sự thay đổi về mô hình sản xuất, văn hóa kinh doanh, mô hình tổ chức... Theo đó, có tới 70% số việc làm ở mức rủi ro cao (tức là có xác suất bị thay thế trên 70%), 18% có  rủi ro trung bình và 12% có rủi ro thấp. Cũng theo dự báo thì các ngành có tỷ lệ việc làm bị thay thế cao là: Nông lâm thuỷ sản 83,3%; Công nghiệp chế biến chế tạo 74,4%, Bán buôn bán lẻ 84,19%, Dệt may 83% và điện tử là 75%

Cũng theo số liệu quý 1/2023 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng tại Việt Nam có khoảng 17,3 triệu người; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 15,8 triệu người… như vậy, nếu tính theo tỷ lệ khuyến cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế thì số lượng lao động bị ảnh hưởng tiêu cực khi ứng dụng 4.0 là rất lớn, đến năm 2030 có thể lên đến ngưỡng hàng chục triệu người. Hơn nữa, với tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thấp, cùng với năng suất lao động không cao, chúng ta sẽ phải chịu tác động nặng nề hơn. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp về cơ cấu do tác động của 4.0 các năm tới sẽ rất lớn, là một thách thức nguy hiểm, khó lường.

Trên cơ sở phân tích, viện dẫn thuyết phục, ông Lê Minh Nam đề nghị cần phải coi đây là rủi ro tiềm ẩn nghiêm trọng để có giải pháp ứng xử tổng thể, toàn diện, phù hợp, chủ động, theo lộ trình. Phải xem xét để hoạch định, tái cấu trúc sản xuất – kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu việc làm… nhằm kịp thời ứng phó. Nguy cơ thì vẫn đang lơ lửng, chúng ta cần chủ động hơn, tránh để nước tới chân mới nhảy.

T.THỨC lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>