Cần bổ sung hoàn thiện nội dung các dự thảo luật

11/03/2022 | 08:35 GMT+7

Tham gia công tác lập pháp ở địa phương, mới đây, tại Hội thảo góp ý các dự án Luật Tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, do Công an tỉnh tổ chức, bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, có ý kiến góp ý cho hội thảo này.

Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, phát biểu tại hội thảo.

Bà Lê Thị Thanh Lam tán thành cao với việc xây dựng 3 dự án luật trên và nhấn mạnh nội dung các dự thảo có nhiều điều phù hợp, song cũng cần bổ sung thêm cho hoàn thiện.

Thêm quy định về tham gia bảo vệ an ninh môi trường ở cơ sở

Theo Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở có vị trí, chức năng quan trọng, làm nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thường xuyên gắn bó mật thiết với Nhân dân, là hạt nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở. Trước yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, việc xây dựng và xem xét thông qua Luật này nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác đảm bảo an ninh trật tự cơ sở trong tình hình hiện nay.

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 Chương, 33 Điều; áp dụng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ Nghĩa Việt Nam.

“Tôi tán thành việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bởi tính cần thiết của Luật với tình hình an ninh trật tự hiện nay, đặc biệt là tháo gỡ được sự chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng này do hiện nay đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, không có được sự đồng bộ”, bà Lam nêu ý kiến.

Đồng thời, tại hội thảo, bà Lê Thị Thanh Lam cũng trao đổi, đạo luật này cần quy định thêm điều khoản về tham gia bảo vệ an ninh môi trường, an ninh nguồn nước của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, trong bối cảnh vấn đề an ninh nông thôn đang rất nóng ở nhiều địa phương. Đồng thời, Luật cũng cần bổ sung thêm một điều về phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, những nhân tố chủ đạo tại mỗi địa phương trong phối hợp với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để tăng tính hiệu quả của công tác phòng chống, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tố giác tội phạm…

Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh còn góp ý: “Để Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có được hiệu quả lâu dài khi được áp dụng, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; có chế độ hỗ trợ cho công an viên ở cơ sở tốt hơn nhằm khuyến khích lực lượng tại cơ sở tham gia hiệu quả cao hơn”.

Tán thành việc tách luật

Về việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 ra thành hai luật mới, bà Lê Thị Thanh Lam bày tỏ tán thành vì Công ước quốc tế cũng tách thành hai luật là Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vậy nên cần thiết phải ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở nước ta.

“Tôi cho rằng công tác xử lý hành vi vi phạm về giao thông và công tác cấp, sát hạch giấy phép lái xe cần có sự liên thông đối với thông tin cơ sở dữ liệu về con người. Hiện nay, Bộ Công an đang tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về công dân nên ngành công an có thông tin xử lý ngay từ đầu, dễ dàng hơn khi cá nhân vi phạm pháp luật về giao thông cũng như thông tin liên quan đến giấy phép lái xe”, Phó trưởng Đoàn nói.

Song bà Lam cũng trao đổi thêm: Phương án giao việc quản lý, sát hạch giấy phép lái xe cho Bộ Công an hay Bộ Giao thông Vận tải thì nên cân nhắc về con người, cơ sở vật chất sao cho phù hợp, tránh lãng phí tài sản của Nhà nước. Công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe thực tế hiện nay cho thấy không phải cơ sở đào tạo nào cũng tốt, không phải cơ sở nào cũng đáp ứng đủ tiêu chuẩn nên quy định trách nhiệm trong quản lý, đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe phải bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đạt chất lượng cho người tham gia giao thông.

Đối với dự án Luật Công an nhân dân, bà Lê Thị Thanh Lam đồng ý đối với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật; cho rằng quy định về tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân được quy định dựa trên cơ sở tính chất đặc thù về tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân nhằm đảm bảo phù hợp với tuổi nghỉ hưu của người lao động được quy định tại Bộ luật Lao động. “Tôi cho rằng Bộ luật Lao động 2019 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 đối với nam và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Do đó, khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và người lao động tăng lên thì cần sửa đổi quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan tại Luật Công an nhân dân cho phù hợp quy định của Bộ luật Lao động hiện hành”.

Cuối cùng, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, Ban soạn thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cần xem xét, đánh giá lại hình thức và nội dung của luật, bổ sung nhằm hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

T.T lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>