Các đại biểu khóa mới sẽ hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn nữa

15/07/2021 | 18:22 GMT+7

Đó là niềm tin và kỳ vọng của lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hậu Giang khóa XIV trước Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Bà Nguyễn Thanh Thủy (đứng), Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV, chia sẻ kinh nghiệm tại cuộc họp.

Tại cuộc họp Đoàn ĐBQH tỉnh trước Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV mới đây, bên cạnh thông tin một số nội dung liên quan đến kỳ họp này, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh còn trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động của cơ quan cũng như nâng cao thêm vai trò, vị thế của các đại biểu dân cử khóa mới, nhất là các đại biểu trúng cử lần đầu khi tham gia bàn bạc, thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại nghị trường Quốc hội.

Tuy hầu hết đại biểu trong Đoàn đều trúng cử lần đầu nhưng ở khóa mới này, ông Huỳnh Thanh Tạo, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV, lạc quan rằng Hậu Giang sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi các đại biểu cấp cao Trung ương tham gia hoạt động cùng Đoàn. Cụ thể như đại biểu Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đại biểu Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy.

Cũng theo ông Huỳnh Thanh Tạo, với tính chất quan trọng tại các kỳ họp của Quốc hội, trực tiếp quyết định các vấn đề chiến lược, đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện cho đất nước nên trước mỗi phiên thảo luận tại tổ cũng như hội trường, các đại biểu cần chủ động chuẩn bị kỹ nội dung phát biểu đóng góp. Từ đó, đảm bảo yêu cầu trọng tâm, ngắn gọn, phù hợp với từng lĩnh vực và thời gian quy định cho mỗi lượt ý kiến thảo luận.

Để tiếp tục phát huy và khẳng định được vai trò, tiếng nói của Đoàn, trách nhiệm với cử tri Hậu Giang tại nghị trường Quốc hội, ông Huỳnh Thanh Tạo chia sẻ thêm, ngoài tham khảo, thống nhất ý kiến với lãnh đạo Đoàn, từng đại biểu cũng cần quan tâm nghiên cứu, thảo luận, tham gia đóng góp những vấn đề chiến lược, mang tầm vĩ mô. Qua đó, tạo được động lực thúc đẩy phát triển tỉnh nhà, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đất nước nói chung.

Dự kiến tổng thời gian Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sắp tới là 11,5 ngày làm việc. Trong đó, công tác nhân sự 5 ngày; xem xét các báo cáo và một số nội dung khác 4,5 ngày; trù bị 0,5 ngày; khai mạc, bế mạc 1 ngày; dự phòng 0,5 ngày.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV, chia sẻ, trên cơ sở nội dung, chương trình dự kiến thì tại Kỳ họp thứ nhất, bên cạnh tập trung thực hiện kiện toàn công tác nhân sự, Quốc hội còn dành nhiều thời gian xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đại biểu trong Đoàn có thể chủ động nghiên cứu, chuẩn bị nội dung để có thể tham gia đóng góp ý kiến trước khi Quốc hội xem xét thông qua.

Gợi mở thêm về những vấn đề mà các đại biểu có thể tham gia thảo luận tại kỳ họp thứ nhất, bà Nguyễn Thanh Thủy nói, từ ý kiến cử tri thông qua các buổi tiếp xúc thời gian qua, đại biểu là lãnh đạo sở, ngành tỉnh đã nắm được, nên cần cố gắng nghiên cứu thêm để chủ động góp ý, làm rõ tại tổ hoặc hội trường.

Cụ thể về vấn đề xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; chương trình giám sát của Quốc hội, giám sát chuyên đề; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thu chi, ngân sách nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025. Rồi vấn đề vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… Trên cơ sở địa phương thực hiện như thế nào thời gian qua, có gì còn vướng mắc cần tháo gỡ nên có ý kiến đóng góp cho báo cáo và đề xuất giải pháp thực hiện tốt hơn.

“Các đại biểu khóa XV ở tỉnh đều mới hết nhưng từ trước đến nay Đoàn Hậu Giang đã có “thương hiệu”. Điều đó được khẳng định trong các khóa gần đây như khóa XIII, XIV, Đoàn Hậu Giang đều hoàn thành tốt vai trò, chức năng của cơ quan dân cử. Vậy nên chúng tôi tin tưởng rằng các đại biểu khóa mới của tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc hơn nữa, đáp ứng được niềm tin, kỳ vọng mà cử tri và Nhân dân Hậu Giang”, bà Nguyễn Thanh Thủy bày tỏ. 

Một số dấu ấn tích cực trong nhiệm kỳ 2016-2021

Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin, nhiệm kỳ qua, xác định tính chất quan trọng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH của tỉnh đã dành nhiều thời gian trong việc thu thập thông tin, nghiên cứu tình hình thực tế ở địa phương, của đất nước để tham gia bàn bạc, thảo luận và tham gia quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Cụ thể như vấn đề chống buôn lậu, xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; tổ chức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giáo dục - đào tạo; quy hoạch, đầu tư trong tổng thể liên kết vùng để phòng, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức lấy ý kiến 72 dự án luật để Quốc hội thông qua tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV…

Tại các kỳ họp Quốc hội, khi thảo luận ở đoàn, ở tổ, đa số ĐBQH của tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, có giá trị, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình đối với những vấn đề được nêu ra. Nhiều ý kiến của ĐBQH trong Đoàn đã được Ban soạn thảo tiếp thu, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>