Các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn rõ rệt

24/06/2021 | 17:24 GMT+7

Đó là ghi nhận của các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, chuyên gia tại Hội nghị thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Thông qua việc triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đổi thay rõ rệt. Ảnh: TƯ LIỆU

Cụ thể, những thành quả của 2 chương trình trên ở giai đoạn 2016-2020 đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn...

Phát huy những thành quả đạt được, các đại biểu cũng cho rằng, để 2 chương trình thực sự hiệu quả, đến đúng đối tượng được thụ hưởng và đạt được những mục tiêu đề ra thì trong giai đoạn 2021-2025 cần phải có những đề xuất, giải pháp thiết thực hơn. Trong đó, cần có chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; quan tâm hơn nữa tới các giải pháp chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho hộ nông dân.

Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, đánh giá, trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về an sinh xã hội như tỷ lệ nhập học, tỷ lệ dân số biết chữ và số năm đi học bình quân của người dân cũng đã tăng lên đáng kể.

Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cũng ở mức cao. Việc bảo đảm việc làm cho người lao động cũng đạt được kết quả rất ấn tượng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp (dưới 3%). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ tăng lên.

Về khía cạnh giáo dục nghề nghiệp cũng được quan tâm đầu tư, thực hiện trong nhiều năm qua và tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên. Thế nhưng, chất lượng lao động qua đào tạo còn hạn chế; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tuy có tăng những mức tăng chậm.

Các vấn đề về bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, bảo vệ trẻ em và cai nghiện ma túy được quan tâm đầu tư và tình hình cũng được cải thiện nhưng không đáng kể thông qua các tiêu chí về tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện.

Trong khi đó, tỷ lệ người từ đủ 60 tuổi trở lên được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội; tỷ lệ dân số được hưởng trợ cấp xã hội (khoảng 3%); mức trợ cấp xã hội tính theo GDP bình quân đầu người (khoảng 7%). Các tiêu chí này so với các quốc gia trong khu vực và thế giới còn ở mức khá thấp.

Tình trạng bạo lực xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp; vấn đề già hóa dân số và các chính sách thích ứng với già hóa dân số chậm được nghiên cứu triển khai thực hiện. Vậy nên, tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu đề xuất cần có chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng, chương trình xây dựng nông thôn mới cần đặt vấn đề bảo vệ môi trường trong tương quan với phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Quan tâm tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng chú trọng các mô hình nông nghiệp sạch, kết hợp năng lượng điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối… Những việc làm này sẽ góp phần giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm đến vấn đề chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, các mô hình chuỗi liên kết chưa nhiều, quy mô cũng dừng lại ở phạm vi huyện, tỉnh. Phong trào giải cứu nông sản cho nông dân hình thành tự phát từ lòng nhân ái, không phải là giải pháp căn cơ của một nền nông nghiệp hiện đại. Vì vậy, đề nghị chương trình xây dựng nông thôn mới quan tâm các giải pháp chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho hộ nông dân.

Còn Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải phân tích, địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi là tâm điểm của lõi nghèo, hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, các công trình hỗ trợ phát triển sản xuất và dân sinh còn thiếu.

Trong khi phương thức canh tác chưa tiếp cận với các mô hình hiệu quả gắn với đầu ra, tiêu thụ sản phẩm chưa được áp dụng, triển khai. Do đó, đề nghị các bộ rà soát, điều chỉnh lại một số mục tiêu, chỉ tiêu cho phù hợp hơn, nhất là đối với việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới, mục tiêu thu nhập, mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất đối với địa bàn này.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, trong tiếp cận 2 chương trình ở giai đoạn 2021-2025 cần phân cấp, giảm dần bao cấp từ phía Nhà nước, tập trung đào tạo nghề, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, đưa ra các khung chính sách để các địa phương có cơ sở thực hiện theo chỉ tiêu phù hợp với điều kiện khả năng, nguồn lực cơ sở.

Ông Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị đưa ra hệ số về phân bổ nguồn lực, cơ cấu nguồn tín dụng cho phù hợp; chú trọng bổ sung nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, lưu ý đến giảm nghèo ở vùng miền núi. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở vùng miền núi. Đối với thực hiện Nông thôn kiểu mẫu, duy tu bảo dưỡng ở vùng nông thôn nên để cho địa phương quyết định.

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>