Bàn cách tháo gỡ khó khăn trong xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù cho miền Tây

29/03/2024 | 13:56 GMT+7

(HGO) - Ngày 29 - 3, tại thành phố Cần Thơ, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, tổ chức Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù Đồng bằng sông Cửu Long”.

Trên 140 đại biểu là đại diện lãnh đạo các sở văn hóa, thể thao và du lịch, các cơ quan thông tấn báo chí, viện, trường đại học, nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tham dự.

Toàn cảnh hội thảo sáng nay.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành.

Hội thảo với kỳ vọng lắng nghe ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trong việc đánh giá thực trạng.

Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù của vùng; định hình tour, tuyến và sản phẩm chủ đạo, đặc trưng nhằm kết nối hiệu quả điểm đến trong chuỗi liên kết hợp tác phát triển du lịch toàn vùng ĐBSCL.

Các đại biểu trình bày các tham luận, ý kiến xoay quanh những thực trạng về sản phẩm du lịch, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù của khu vực, chỉ rõ những đặc trưng cơ bản, những thế mạnh cần phát huy trong thời gian tới. Đưa ra những giải pháp tạo sự kết nối giữa đơn vị quản lý, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, nâng cao hiệu quả các chương trình tour, tuyến du lịch và trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc thù.

Hội thảo cũng khẳng định vai trò của báo chí truyền thông trong vấn đề phát triển thương hiệu, xây dựng tour, tuyến, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng hiện nay, từ đó xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả, thúc đẩy ngành du lịch càng phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thực Hiện (ảnh trên), Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho rằng: Ngành du lịch thành phố Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn, thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương.

Qua hội thảo lần này, ông tin tưởng rằng sẽ có nhiều ý kiến phát biểu phân tích, đánh giá về thực trạng, đề xuất giải pháp, kiến nghị giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay cho du lịch ĐBSCL phát triển trong thời gian tới.

CÔNG NHẬN, TÁI CÔNG NHẬN 4 “ĐIỂM DU LỊCH TIÊU BIỂU ĐBSCL”

Tại đây, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã trao quyết định công nhận và tái công nhận 4 “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” năm 2024 bao gồm Cảng du thuyền Mỹ Tho (Tiền Giang), Điểm du lịch đồi Tức Dụp (An Giang), Điểm du lịch sinh thái Cồn Hô (Trà Vinh), Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer (Trà Vinh).

Ông Trần Việt Phường (bìa trái), Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và ông Lê Thanh Phong (bìa phải), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, trao quyết định và bảng công nhận các “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL”.

Tổng kết hội thảo, ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhấn mạnh có 3 giải pháp cần tập trung trong thời gian tới.

Một là về cơ chế, chính sách để phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL.

Hai là chú trọng đầu tư phát triển có trọng tâm các sản phẩm du lịch và tour, tuyến du lịch.

Ba là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, để giúp du lịch ĐBSCL thật sự bứt phá, phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của các tỉnh, thành.

Tin, ảnh: THANH NGÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>