Ngăn chặn các vụ trọng án sau cuộc nhậu

09/08/2023 | 08:16 GMT+7

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ trọng án mà nguyên nhân chính là do các đối tượng uống rượu, bia không làm chủ được hành vi gây ra. Những vụ án đau lòng để lại hậu quả rất nghiêm trọng chính là lời cảnh tỉnh cho thực trạng đáng báo động này.

TAND tỉnh xét xử các bị cáo Hữu và Trí dùng dao chém người khác sau khi sử dụng rượu, bia.

Thực tế, có không ít thanh, thiếu niên tụ tập ăn nhậu dẫn đến không làm chủ được hành vi đã gây ra các vụ ẩu đả, cố ý gây thương tích, thậm chí cả án mạng thương tâm. Để rồi, khi tỉnh táo mới thấy được hành vi sai trái của bản thân thì đã muộn...

Đứng trước bục khai báo tại phiên tòa hình sự do Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh xét xử ngày 26-7 vừa qua, bị cáo Lê Đại Hữu (sinh năm 1994) thừa nhận, do bản thân đã uống nhiều rượu và không làm chủ được hành vi nên dẫn đến việc mang dao đi chém người khác, gây đau thương cho gia đình bị hại và khiến bản thân phải lãnh mức án 12 năm tù.

Từ dòng hồ sơ vụ án thể hiện, vào khoảng 18 giờ ngày 22-9-2022, sau khi nhậu say tại nhà người bạn ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, Hữu cùng Lê Trọng Trí trở về nhà ở khu vực Xẻo Vông A, phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy. Trên đường đi, Hữu nhớ lại chuyện trước đó giữa Hữu với anh Trần Văn Tánh và ông Dương Văn Phúc có xảy ra mâu thuẫn nên có ý định trả thù.

Hữu sau đó nói với Trí chở mình về nhà lấy dao tự chế và cùng Trí đến nhà trọ tìm anh Tánh và ông Phúc. Khi đến nơi, Hữu đi vào trong và thấy ông Phúc đang ngồi dưới nền gạch, liền vung dao chém vào vùng đầu của ông Phúc, ông Phúc kịp thời phát hiện, rồi đưa tay lên đỡ thì bị Hữu chém trúng vào cánh tay trái và trán. Nhờ được người dân đưa đi cấp cứu, ông Phúc may mắn không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bị thương tích lên đến 53%.

Vụ án của Hữu không phải là trường hợp hiếm khi tội phạm gây án trong trường hợp say xỉn do rượu bia. Đơn cử như trước đó, TAND thành phố Ngã Bảy cũng đã tuyên phạt Huỳnh Khánh Duy, ngụ thành phố Ngã Bảy, 18 tháng tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Cụ thể, sau khi đã nhậu say, Duy điều khiển xe mô tô từ chỗ nhậu thuộc khu vực Xẻo Vông, phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy để chạy về nhà ở xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Khi đến Tỉnh lộ 927C, đoạn thuộc địa bàn khu vực 5, phường Ngã Bảy thì bị cáo chạy sang phần đường ngược chiều dẫn đến va chạm với xe mô tô do anh C. điều khiển theo chiều ngược lại. Hậu quả, khiến anh C. tử vong tại chỗ.

Qua điều tra, cơ quan tố tụng xác định Duy điều khiển xe mô tô khi không có giấy phép lái xe, trong tình trạng có nồng độ cồn trong máu là 149,76 miligam/100 mililít máu, vượt gần 3 lần so với mức quy định và đi không đúng phần đường dẫn đến va chạm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Theo đại tá Nguyễn Văn Giá, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thời gian qua, tình hình tội phạm xâm hại sức khỏe người khác sau khi sử dụng rượu, bia diễn ra phức tạp, chiếm tỷ lệ cao và để lại hậu quả lớn cho xã hội. Trong đó, có nhiều vụ giết người là do sử dụng rượu, bia gây nên với mức độ của hành vi rất manh động, liều lĩnh, côn đồ.         

Cũng theo đại tá Nguyễn Văn Giá, hầu hết bị can trong các vụ án giết người luôn biện minh cho hành vi của bản thân là do sử dụng rượu, bia; không làm chủ được hành vi. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật thì người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hơn nữa, việc sử dụng rượu, bia trong lúc gây án không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà còn là tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng ở một số tội phạm khác như: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, đường sắt…

Còn theo luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, trong quá trình bào chữa chứng kiến rất nhiều trường hợp bị cáo khi gây án đã sử dụng rượu, bia để lại hậu quả đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội. Tình trạng sử dụng rượu, bia trong giới trẻ ngày càng phổ biến.

Luật sư Phan Văn Hùng phân tích, trên thực tế khi uống rượu, bia, con người thường bị ảo giác và nhất là rất dễ kích động. Họ thường có cảm xúc bất ổn và hành động có xu hướng bạo lực, hành xử vượt quá sự kiểm soát của lý trí bình thường. Với những hành vi phạm pháp do rượu, bia gây ra là do ý chí chủ quan của người gây án tự đặt mình vào tình thế như vậy, nên pháp luật không bảo vệ những hành vi do rượu, bia gây ra.

Qua đó cho thấy, để có thể phòng ngừa tội phạm phát sinh từ rượu, bia, mỗi cá nhân phải tự điều chỉnh hành vi, nâng cao ý thức tự giác. Bản thân cần nhận thức đúng về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia và tìm nguồn động lực của riêng mình để tránh xa, từ bỏ rượu, bia. Ngoài ra, sự giáo dục, khuyên răn từ gia đình cũng là vấn đề rất cần thiết.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>