Phát triển kinh tế từ trồng nấm bào ngư

08/04/2022 | 14:39 GMT+7

Xem Video:

/uploads/Video/News/2022/04/08/151304Phát triển kinh tế từ trồng nấm bào ngư.mp4

 

Nhận thấy nấm bào ngư xám có giá trị dinh dưỡng cao và được ưa chuộng nên chị Diệp Thị Thúy Kiều, ở khu vực 3, phường III, thành phố Vị Thanh, đã quyết tâm khởi nghiệp với loại nông sản này. Trải qua nhiều khó khăn, thành công bước đầu đã mỉm cười với chị.

Chị Diệp Thị Thúy Kiều ở khu vực 3, phường III, thành phố Vị Thanh, thu hoạch nấm bào ngư.

Quyết tâm khởi nghiệp

Là con nhà nông chính hiệu, thế nhưng ban đầu hướng đi của chị Thúy Kiều lại không phải gắn với ruộng đồng như một số người bạn cùng trang lứa, mà bắt đầu với công việc văn phòng. Khoảng 3 năm trước, ngã rẽ bắt đầu khi chị quyết định nghỉ việc ở cơ quan để toàn tâm, toàn ý chăm lo cho gia đình. Những ngày ấy, chị Kiều tìm hiểu các cách làm ăn để vừa phát triển kinh tế vừa có thể linh động thời gian.

 Sau khi tìm hiểu nhiều mô hình từ trồng trọt đến chăn nuôi, chị Kiều bị thu hút và quyết định “dừng chân” với nghề trồng nấm bào ngư xám. Từ số vốn ban đầu khởi nghiệp là 100 triệu đồng, chị mạnh dạn đầu tư nhà trồng nấm thử nghiệm. Vừa làm vừa học hỏi, đến nay người phụ nữ này đã có trong tay 2 nhà trồng nấm bào ngư với tổng diện tích 114m2.

“Ban đầu, tôi mua 6.000 bịch phôi nấm về trồng thử nghiệm. Thời gian đầu, do kỹ thuật chưa vững nên năng suất nấm chưa cao. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Sau nhà nấm đầu tiên, tôi mở rộng thêm 1 nhà trồng nữa rồi mua thêm 10.000 bịch phôi nấm đặt ở đây. Đến nay, dù năng suất nấm thu hoạch đạt yêu cầu, nhưng tôi vẫn không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ thuật”, chị Kiều cho biết.

Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà trồng nấm của gia đình, chỉ tay về những bịch phôi được xếp ngay ngắn trên kệ, chị Kiều tâm sự: “Trồng nấm bào ngư bên cạnh kỹ thuật thì còn phải giữ uy tín, đảm bảo chất lượng thì khách hàng mới an tâm và quay trở lại những lần tiếp theo”.

Lấy từ trên kệ bịch phôi đang ra nấm, chị Kiều tiếp lời: “Khi mình nhập phôi về, tùy theo độ phôi mà đơn vị cung cấp cấy bao nhiêu ngày. Thường nhập về ủ 60 ngày, tùy theo độ mát của trại, nếu thích hợp sẽ kéo tơ sớm. Mỗi tháng, các nhà nấm của tôi cho thu hoạch 2 lần. Tôi cho nấm ra xoay vòng, cứ cách 2 ngày thu hoạch 1 lần. Nhờ vậy, lúc nào cũng có nấm phục vụ khách hàng”.

Theo lời kể của chị Kiều, mỗi bịch phôi trên kệ nhà chị thu hoạch được 8-9 lần. Trung bình mỗi bịch phôi cho ra nấm khoảng 350-500 gram. Để đảm bảo chất lượng nấm làm ra, ngoài việc vận chuyển và chất phôi lên kệ, chị Kiều đều tự mình kiểm tra tất cả các khâu còn lại.

Nhiều tiềm năng phát triển

Nhẹ nhàng thu hoạch những tai nấm để kịp giờ giao cho khách, chị Kiều phấn khởi cho biết ngoài bán lẻ cho khách trong khu vực lân cận, chị còn bán hàng qua mạng, nhờ vậy thời điểm dịch bệnh vừa qua, chị vẫn tiêu thụ tốt mà không bị ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, chị còn bỏ mối tại các chợ với mức giá bán dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Các bịch phôi sau khi đã thu hoạch hết nấm, các phôi được bán lại để dùng trồng nấm rơm. Nhờ vậy, mô hình nông nghiệp của chị Kiều rất thân thiện với môi trường.

Cũng theo lời chị Kiều, trồng nấm bào ngư xám không khó và trồng được quanh năm. Song, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật và theo dõi thường xuyên để có biện pháp xử lý kịp thời. Một trong những yêu cầu quan trọng là nhà trồng nấm phải có nhiệt độ thích hợp, thông thoáng, ánh sáng phù hợp. Phôi nấm ngoài việc được treo trên giá thể còn có thể đặt trên kệ. Giàn kệ phải đủ vững để chịu sức nặng của các bịch phôi.

“Trồng nấm bào ngư xám thì rất sạch, chỉ tưới phun sương bằng nước máy. Nếu trời nóng tưới nước nóc nhà và nền nhà, nấm bào ngư chịu mát, lạnh và gió sẽ làm nấm bị xoăn. Để trồng nấm, đầu tiên là làm trại, nhập phôi về chất lên kệ, chất chồng lên nhiều lớp. Nuôi tơ, khi già gỡ bông gòn ra, đậy nắp lại. Đúng 7 ngày sau mở nắp ra tưới. Khi già, bịch phôi sẽ kéo tơ trắng hết, sẽ mở nắp cho nấm phát triển. Tưới vào ban ngày từ 4 đến 5 lần. Ngoài ra, tôi còn mở rộng, có hướng dẫn làm trại, cung cấp phôi giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân”, chị Kiều chia sẻ thêm.

Nấm bào ngư xám thường bị bệnh mốc xanh, bệnh này dễ lây nhiễm, nếu phát hiện bệnh, bịch phôi ấy sẽ phải bỏ. Do đó, sau mỗi lần thu hoạch nấm, chị Kiều phải diệt khuẩn, rửa nền và phơi nền để đảm bảo an toàn cho các lần sản xuất sau.

Trồng nấm bào ngư xám để khởi nghiệp không mới, nhưng chưa nhiều người thực hiện. Không phải vì nó khó mà có thể từ trước đến giờ, nghĩ đến là nông nghiệp thì nhiều người lại chọn làm rau sạch. Dù cò nhiều khó khăn nhưng mô hình trồng nấm bào ngư đang có thị trường tiềm năng, mở ra hướng đi mới, giúp nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>