Nông nghiệp tuần hoàn: Hướng đi mới và bền vững

07/10/2022 | 08:12 GMT+7

Xem Video:

/uploads/Video/News/2022/10/07/104905Nông nghiệp tuần hoàn hướng đi mới bền vững.mp4

 

Với tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm, chị Lữ Thị Nhật Hằng, ở huyện Phụng Hiệp, đã đầu tư khoảng 20 tỉ đồng làm nông nghiệp tuần hoàn, bắt nhịp xu hướng phát triển mới, làm giàu trên chính quê hương.

Nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới, bền vững.

Xu hướng mới

Với diện tích khoảng 8.000m2 đất tại xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, trang trại Ngũ Thường Mekong do chị Lữ Thị Nhật Hằng làm chủ được xem là một trong những trang trại đầu tư nông nghiệp khép kín một cách bài bản trong tỉnh.

 Giới thiệu chúng tôi tham quan nông trại, chị Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong, phấn khởi cho biết, danh mục sản xuất của nông trại đăng ký là phát triển điện áp mái phía trên và sản xuất nông nghiệp phía dưới. Tận dụng khoảng trống phía dưới nông trại phát triển mô hình trồng nấm, nuôi trùn quế, trồng rau sạch và nuôi thủy sản.

Để phát triển trang trại này, chị Nhật Hằng đầu tư hệ thống điện áp mái công suất 990kWp phía trên và tận dụng khoảng trống phía dưới để sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chia sẻ về mô hình, chị Hằng cho biết từ đầu năm 2021, 10 nhà trồng nấm rơm với tổng diện tích khoảng 350m2 được đưa vào sản xuất. Sau khi thu hoạch xong bã rơm thải sẽ được ủ men vi sinh tạo thành phân bón hữu cơ để trồng cỏ voi, rau và nuôi trùn quế. Mỗi ngày trang trại thu hoạch từ 30-35kg nấm rơm, mang về doanh thu hàng chục triệu đồng/tháng.

Cỏ voi sau thời gian trồng và phát triển trở thành nguồn thức ăn cho bò. Chất thải từ bò lại được tái sử dụng trở thành thức ăn cho trùn quế sinh trưởng tốt. Trùn quế được tận dụng làm thức ăn cho gà, vịt, cá.

Hệ thống tuần hoàn này không chỉ tận dụng được những phế phẩm bỏ đi, giảm tối thiểu chất thải đưa ra môi trường. Đặc biệt còn giảm được tối thiểu nhân công vận hành trang trại. Nông trại đã xây dựng và đưa vào sản xuất 4 nhà trùn quế với diện tích 400m2. Trùn quế ngoài sử dụng trong nông trại còn được bán thương phẩm với giá 50.000 đồng/kg trùn tươi hoặc đông lạnh.

Dù diện tích đất rất là hạn chế. Ở đây, khu vực của chị khoảng 8.000m2 thôi. Nhưng chị Hằng có thể làm được nhiều mô hình chăn nuôi khép kín. Chị nuôi cá, trên ao cá sẽ làm những sàn nuôi vịt sạch. Chị dùng phân vịt cho cá ăn, còn nuôi trùn cho cá, gà, vịt trong trại ăn. Rơm thì làm nấm. Những mô rơm thải thì sử dụng làm giá thể đẻ cho trùn, trồng cây, bón phân cho cây, trồng rau sạch. Hiện chị đã làm ra được nấm rơm, gà, trùn; phân trùn chị cũng đã bán được cho bà con xung quanh đây để trồng cây”.

Nói về cơ duyên đến với nông nghiệp tuần hoàn, chị Lữ Thị Nhật Hằng chia sẻ: “Đây là khu vực dân cư nên hiệu quả của mô hình này là có thể xử lý được triệt để chất thải để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bắt nhịp với xu hướng lựa chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, các vật nuôi nếu được chăm sóc bằng các sản phẩm hữu cơ sẽ phát triển tốt, an toàn với người tiêu dùng”.

Chị Lữ Thị Nhật Hằng cho biết thêm, khi mới bắt tay thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn chị phải đi nhiều nơi, xắn tay vào làm tất cả để có kinh nghiệm. Đặc biệt, phải mạnh dạn đổi mới và đầu tư để có hiệu quả như hôm nay. Nguồn phân bón hiện tại của trang trại được sử dụng hoàn toàn từ phân hữu cơ tái sử dụng từ nguồn phế phụ phẩm. Chất thải của loài này sẽ là thức ăn, phân bón của loài khác. Tất cả cứ như thế tạo thành vòng tuần hoàn, khép kín, hợp lý và khoa học.

Tận dụng triệt để

Nông nghiệp tuần hoàn còn khá mới mẻ với nhiều nông dân. Nhưng thực tế rất đơn giản và ai cũng có thể áp dụng để tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận. Đó là phế phẩm nông nghiệp để tái sử dụng làm thành phân bón, thức ăn cho lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt khác. Việc tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm tối thiểu sự lãng phí và lượng chất thải đưa ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn giữa nông nghiệp tuần hoàn so với cách làm nông nghiệp truyền thống.

Chị Lữ Thị Nhật Hằng cho biết, với những kết quả bước đầu mô hình mang lại, trang trại sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng để phát triển thêm mảng du lịch sinh thái, hướng tới mục tiêu nâng cao lợi nhuận trên 1 tỉ đồng/năm. Ngoài phát triển nông nghiệp, trang trại Ngũ Thường Mekong hiện đang là điểm cho các sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đến nghiên cứu, tìm hiểu và làm quen với nông nghiệp tuần hoàn.

“Sắp tới sẽ phát triển, mở rộng đất thêm để đầu tư trồng rau sạch, chăn nuôi những con vật gần gũi hơn. Du lịch chủ yếu là để cho các em học sinh, sinh viên tham quan, học hỏi gần giống như dã ngoại. Hoặc trong năm học có những đề tài liên quan đến nông nghiệp thì các em có thể vào đây để học hỏi”, chị Lữ Thị Nhật Hằng bộc bạch.

Nông nghiệp tuần hoàn là chìa khóa để quản lý hiệu quả các tài nguyên nông nghiệp thông qua tập trung giảm thiểu việc sử dụng các yếu tố đầu vào bên ngoài, khép kín vòng dinh dưỡng, tái tạo đất và giảm thiểu tác động đến môi trường. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Mô hình kinh tế tuần hoàn hiện đang là hướng phát triển của huyện Phụng Hiệp và được ngành nông nghiệp quan tâm, chỉ đạo nhằm khép kín, liên kết đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.

Hiện nay, địa phương đang xây dựng và hướng nông dân đầu tư nông nghiệp an toàn, sau đó nâng lên nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn khép kín. Thời gian qua, huyện Phụng Hiệp đã xây dựng và nhân rộng khoảng 200 mô hình kết hợp làm nền tảng phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín sản xuất.

Có thể khẳng định, nông nghiệp tuần hoàn góp phần tạo ra hệ sinh thái khép kín. Quy mô của nông nghiệp tuần hoàn rất đa dạng, từ quy mô hộ gia đình đến trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp. Phát triển nông nghiệp tuần hoàn đang đi đúng hướng trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay. Việc tiết kiệm, giảm chi phí là vấn đề được ngành nông nghiệp và bà con nông dân quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Và hơn ai hết, chính nông dân dám mạnh dạn tìm hiểu, thay đổi và đầu tư sẽ mang lại hiệu quả cao như kỳ vọng.

Bài, ảnh: NGUYÊN TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>