Bí quyết trồng sầu riêng của tỉ phú Sáu Bờ

18/09/2022 | 13:43 GMT+7

Xem Video:

/uploads/Video/News/2022/09/19/081921Bí quyết trồng sầu riêng của tỷ phú Sáu Bờ.mp4

 

Quyết tâm chinh phục và làm giàu từ cây sầu riêng trên mảnh đất quê hương, ông Lê Văn Sáu, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, đã gặt hái thành công khi vươn lên trở thành tỉ phú. Đáng tự hào hơn khi ông Sáu vừa đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.

Ông Lê Văn Sáu bên vườn sầu riêng của mình.

Liên kết nhà khoa học

Đến ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, chúng tôi được nghe người dân địa phương kể câu chuyện làm giàu từ cây sầu riêng của ông Lê Văn Sáu, sinh năm 1944 (thường gọi là ông Sáu Bờ).

Cách đây hơn 40 năm, ra riêng với 5 công đất, vợ chồng ông Sáu cần mẫn trồng lúa nối nghiệp ông cha, ngặt nỗi cuộc sống khó khăn nên ông quyết định chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế. Loay hoay từ mía đến cam vẫn chưa thấy hiệu quả như kỳ vọng. Đến khi chọn trúng cây sầu riêng thì cây đã chịu đất lành, vợ chồng ông Sáu mới ưng bụng. Đến nay, cây sầu riêng đã đi cùng gia đình ông gần 35 năm.

Theo lời bà con địa phương, chúng tôi đến nhà ông Sáu Bờ. Dẫn phóng viên tham quan vườn sầu riêng xanh mướt, ông Sáu tự hào kể về năm đầu chuyển qua trồng sầu riêng của mình: “Năm đầu tiên tôi trồng thử nghiệm 1 mẫu đất (1ha) gồm 180 gốc sầu riêng. Bốn năm sau có trái, lợi nhuận 1 gốc sầu riêng bằng 1 công lúa. Lợi nhuận cao nên tôi trồng thêm 1 mẫu nữa. Sầu riêng trúng mùa, có tiền tôi mua thêm đất rồi nảy nở làm tới bây giờ”.

Dù có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ đổi đời, nhưng để trồng sầu riêng hiệu quả thì không phải dễ, bởi đây là loại kén nước, kén đất. Ông Sáu phải mày mò, tìm cách để vườn không bị ngập úng nhưng vẫn giữ ẩm cho đất và hạn chế xói mòn đất khi tưới. Ông Sáu Bờ phải lặn lội đi những tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn như Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng để học hỏi kinh nghiệm áp dụng vào vườn nhà.

Ban đầu, ông Sáu trồng sầu riêng khổ qua, nhưng giờ đây ông chọn giống Ri6 và Monthong làm chủ lực và bắt đầu chuyển sang trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là thử thách không nhỏ, bởi trước đây, việc bán quẩn quanh trong tỉnh nhà hay trong nước không đòi hỏi kỹ thuật khắt khe, nhưng lần này lại khác.

Để khắc phục nhược điểm sầu riêng hay bị sượng và sâu bệnh, nhiều đêm ông Sáu miệt mài suy nghĩ, tìm thêm tài liệu, kinh nghiệm từ các nhà vườn thân quen. Ánh sáng lóe lên khi ông biết đến GS.TS Trần Văn Hâu, Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Cần Thơ. Vậy là, người nông dân này mạnh dạn đến nhờ GS.TS Trần Văn Hâu bắt bệnh cho cây.

“Tôi trồng sầu riêng 2 năm đầu thì thấy trái sượng hết gần phân nửa. Tôi nghĩ mình còn thiếu cái gì đó thì cây mới bị như vậy, mấy vườn khác không có. Nhờ GS.TS Trần Văn Hâu tư vấn để tôi làm thì qua năm sau sầu riêng sai trái, cơm ngon, hết sượng, bán được giá”, ông Sáu Bờ nhớ lại.

Vậy là từ đó, ông Sáu Bờ giữ mối liên hệ chặt sẽ với ân nhân vườn cây nhà mình, hễ gặp khó chỗ nào là gọi điện nhờ tư vấn ngay. Thấy ông Sáu cần cù, chịu khó học hỏi, GS.TS Trần Văn Hâu cũng nhiệt tình hướng dẫn.

Giờ đây, vườn ông Sáu từ diện tích sầu riêng thử nghiệm ban đầu, nay đã tăng lên 5,5ha, cây tốt, trái sai. Mảnh vườn sầu riêng nhà ông Sáu Bờ trở thành niềm mơ ước của bà con trong vùng.

Ứng dụng kỹ thuật mới

Hớp ngụm trà thơm, ông Sáu bộc bạch: “Nông dân mình cần cù, chịu khó học hỏi là một chuyện, nhưng cần phải có nhà khoa học để hướng dẫn đúng kỹ thuật thì mới thành công. Làm giàu không khó, chỉ sợ anh em không dám làm thôi”.

Ông Sáu đã canh tác sầu riêng theo đúng triết lý của mình. Giữa thời điểm phân hóa học đa dạng, dễ dàng tìm mua để xử lý cho cây trái vườn nhà thì lão nông này lại từng bước chuyển dần sang dùng phân hữu cơ. Ông Sáu quan niệm, sử dụng phân hóa học nhiều khiến đất đai bị thoái hóa, chi phí lại cao còn phân hữu cơ vừa an toàn, vừa tốt cho cây và đất, người tiêu dùng ăn sầu riêng vườn nhà ông cũng an tâm hơn.

“Hồi trước sử dụng phân hữu cơ ít, còn bây giờ chiếm 2/3 lượng phân cho vườn. Phân hóa học dùng ít lại, chủ yếu không để thiếu chất. Mình xem cái cây như con người, thiếu chất là cơm không có ngon”, ông Sáu Bờ lý giải.

Hiện nay, vườn sầu riêng của ông Sáu có khoảng 1.000 gốc, trong đó phần lớn đang cho trái, năng suất khoảng 15 tấn/ha. Trong vụ sầu riêng 2022 vừa qua, ông thu hoạch được khoảng 100 tấn, mỗi năm ông thu về khoảng 5 tỉ đồng.

Gần 35 năm trồng sầu riêng, trong đó có 15 năm trồng sầu riêng xuất khẩu, sầu riêng vườn nhà ông Sáu luôn trúng mùa, trúng giá. Vườn nhà của ông luôn rộn ràng mỗi kỳ thu hoạch. Thương lái từ Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre về mua riết thành mối quen.

Từ một nông dân chân chất loay hoay chuyển đổi cây trồng, giờ đây ông Sáu đã thành một tỉ phú nông dân. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Sáu còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm canh tác cho bà con có nhu cầu.

Ông Sáu Bờ tâm sự: “Anh em nào không biết thì đến đây, tôi sẵn sàng tư vấn. Một là phải lên liếp trồng sầu riêng như thế nào cho có hiệu quả. Thứ hai là loại giống gì mà trồng được để xuất khẩu, bán được giá. Hiện tôi trồng sầu riêng Monthong Thái Lan, Ri6, Musang King. Xuất khẩu thì phải có mã số vùng trồng, ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ bà con ở đây rất nhiều để có thể xuất khẩu”.

Với sự cần cù, chịu khó, ông Lê Văn Sáu đã được công nhận là nông dân giỏi các cấp, 2 lần vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Năm 2020, ông Sáu được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động Hạng Ba. Mới đây, ông còn vinh dự đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.

Chia sẻ về vinh dự của mình, ông Lê Văn Sáu bộc bạch: “Tôi hết sức phấn khởi, Nhà nước cho tôi được nông dân sản xuất giỏi tới nông dân tiên tiến. Sắp tới, tôi không chỉ cải tạo vườn của mình mà bà con nào còn làm sầu riêng không được ngon thì mình cũng tư vấn giùm cho anh em để cho đạt hiệu quả cho ở xã, huyện, tỉnh mình”.

Chia tay ông Sáu, chia tay người nông dân chân chất miệt vườn hết lòng vì mảnh đất, quê hương. Với người nông dân này, làm giàu không chỉ cho riêng mình mà còn vì sự phát triển chung của cộng đồng. Câu chuyện của ông còn là nguồn cảm hứng, khích lệ tinh thần lao động của bà con nông dân. Giờ đây, sầu riêng không còn buồn như tên gọi mà đã trở thành niềm vui chung của nhiều bà con canh tác loại cây mang mỹ danh nữ hoàng của trái cây vùng nhiệt đới.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>