Thương mại chạm ngõ 4.0

24/01/2023 | 07:02 GMT+7

Nghe Podcast:

/uploads/Audio/News/2023/01/24/070438Thương mại chạm ngõ 4.0.mp3

 

Xu hướng tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ, quá trình chuyển đổi số các hoạt động của nền kinh tế diễn ra là xu hướng tất yếu. Có thể nói chưa bao giờ việc giao thương diễn ra nhanh chóng, kết nối rộng rãi và lĩnh vực thương mại - dịch vụ của tỉnh cũng không đứng ngoài làn sóng này.

Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương tham dự ra mắt mô hình Chợ 4.0 tại thành phố Vị Thanh.

Đi chợ không cần đem tiền

Nếu trước đây, mọi người thường có suy nghĩ phải đến các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại hay cửa hàng lớn mới có thể dùng một điện thoại hoặc thẻ ngân hàng để thanh toán thì nay đã khác. Chỉ cần tới một số khu chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã có thể trải nghiệm “xách điện thoại theo và mua” mà không cần tiền mặt. Giờ đây, người dân dù trả với số tiền lớn vài triệu hay chỉ vài chục ngàn đồng cũng có thể quét mã QR khi có điện thoại thông minh hoặc chuyển tiền qua các ứng dụng mobile money (tiền di động).

Tại chợ Vị Thanh, một trong những chợ đầu tiên triển khai mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, các tiểu thương đều đã biết và sử dụng ứng dụng này. Bà Phan Thị Lan, tiểu thương tại chợ, cho biết: “Nhiều người đến đã ngạc nhiên khi ghé qua sạp gạo mà lại đặt bảng có mã QR để thanh toán. Đâu phải chỉ mình sạp của tôi mà cả những sạp khác nữa. Tiện ở chỗ chuyển - nhận tiền nhanh và an toàn. Khách hàng tới mua tôi cũng giới thiệu sử dụng, không cần chuẩn bị tiền lẻ, cũng không cần chờ đổi tiền hay thối tiền. Cách làm mới này sẽ giảm được việc phải mang theo số tiền lớn để mua sắm tết của người dân dịp cuối năm, còn người bán cũng không phải lo cất giữ tiền mặt nữa”.

Thật vậy, công nghệ số bây giờ thật sự đã len lỏi vào từng hoạt động hàng ngày, từng bao gạo, giỏ trái cây… Cách làm này thực tế, gần gũi giúp các tiểu thương và khách hàng tiếp cận nhiều hơn về công nghệ số, tạo thói quen tiêu dùng thông minh và hiện đại hơn cho người dân. Chị Nguyễn Thị Oanh, ở khu vực 1, phường I, tỏ ra hào hứng vì thanh toán không tiền mặt đã phổ biến nhiều nơi và lần đi mua sắm tết này chị cũng thực hiện ngay tại khu chợ gần nhà. Theo chị, mô hình này có thể nhân rộng tại địa phương, bởi còn nhiều nơi có thể thực hiện được như ở các cửa hàng và tụ điểm ăn uống khác, khu vui chơi khu vực trung tâm.

Là một trong những đơn vị phối hợp với sở, ngành tỉnh xây dựng mô hình chợ 4.0 tại các địa phương từ những ngày đầu, ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Viettel Hậu Giang, chia sẻ: Bắt đầu từ tháng 5-2022, mô hình Chợ 4.0 đã chính thức được triển khai thí điểm tại chợ phường IV và chợ Vị Thanh, phường III, thành phố Vị Thanh, sau đó lan rộng ra các chợ sầm uất và quy mô ở các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Lần đầu tiên, người dân có thể thoải mái mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng mobile money mà không còn những trở ngại mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa… Sau thời gian triển khai, tuy bước đầu gặp khó vì thói quen tiêu dùng, thanh toán bằng tiền mặt của bà con đi chợ rất khó thay đổi, nhưng cũng có nhiều phản hồi và kết quả tích cực, chứng tỏ tiêu dùng không sử dụng tiền mặt đang len lỏi vào nhiều khía cạnh của đời sống và rộng mở cánh cửa giao thương, phát triển kinh tế số cho người dân Hậu Giang. Đến nay, toàn tỉnh đã có 6 chợ truyền thống với hơn 350 tiểu thương sử dụng và đăng ký làm điểm thanh toán.

Thương mại điện tử - “làn sóng” đẩy mạnh tiêu thụ nông sản

Chợ truyền thống trên địa bàn đã có nhiều đổi mới, còn ở “chợ trực tuyến” khi truy cập vào các sàn thương mại điện tử (TMĐT), vào ô tìm kiếm và gõ từ khóa Hậu Giang, nhiều kết quả sản phẩm chế biến từ cá thát lát, trà mãng cầu, mật ong, bưởi da xanh, cam xoàn, cam mật và chanh không hạt từ các hợp tác xã và cơ sở sản xuất tại Hậu Giang xuất hiện. Giá bán, hình ảnh, xuất xứ, công dụng, cách sử dụng và khuyến mãi rõ ràng. So với cách đây 2 năm, số lượng và chất lượng nâng lên rõ rệt. Đây là nỗ lực đổi mới của các hộ sản xuất, cơ sở, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, giới thiệu và quảng bá trên mạng xã hội cùng với sự vào cuộc hỗ trợ mạnh mẽ của tỉnh và các sở, ngành.

Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT, ứng dụng các nền tảng mạng xã hội đang được xem là bước chuyển trong phương thức tiêu thụ nông sản của người nông dân, cơ sở, hợp tác xã trong xu thế công nghệ càng phát triển. Tốc độ nhanh, thị trường rộng cả trong và ngoài nước, kết nối trực tiếp người bán và người mua với chi phí thấp... Những thuận lợi kể trên làm TMĐT trở thành xu thế tất yếu để đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh.

Là chủ cơ sở trà mãng cầu Phụng Phát, huyện Long Mỹ, chị Lê Kim Phụng Em ít khi vắng mặt tại các buổi kết nối và các đợt tập huấn đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, cũng như mở tài khoản trên mạng xã hội lấy tên cơ sở. Gần 2 năm qua, ngoài công việc là sản xuất trà, chị Phụng Em dành nhiều thời gian “chăm chút” cho từng gian hàng trên sàn cũng như các bài đăng trên mạng xã hội. Điều này đã giúp doanh số bán hàng tăng khoảng 20% so với năm trước.

Vượt qua bước đầu còn mới mẻ, giờ đây chị đã thành thạo quản lý các gian hàng trực tuyến và niềm vui lúc này không chỉ có lúc khách “chốt đơn”, mà còn là khoảng cách giữa khách hàng và người sản xuất càng gần hơn. Chị Phụng Em còn tập tành quay video quy trình sản xuất, thường xuyên tương tác với khách hàng và ghi nhận các bình luận đánh giá để làm cơ sở cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Tuy gian hàng ảo nhưng chất lượng sản phẩm là thật và điều đó mới níu chân khách hàng dù khoảng cách địa lý xa hay gần.

Trước nhu cầu và thói quen tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ, chỉ cần ngồi ở nhà vẫn tìm mua được đặc sản ở mọi miền, các cơ sở nhận thấy không thể chỉ dựa vào kênh phân phối truyền thống mãi mà phải bắt kịp thị trường trực tuyến. Chị Đặng Thị Kim Ngọc, Giám đốc Công ty Tâm Phúc Thành, ở huyện Vị Thủy, có thế mạnh ở kênh phân phối sản phẩm dầu gội ở các cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc tại 8 tỉnh, thành. Chị Ngọc cho rằng hiện nay phải kết hợp kênh trực tiếp và trực tuyến để mở rộng thị trường, sẵn sàng đưa năng lực sản xuất lên tối đa 5.000 sản phẩm/ngày để chuẩn bị cho nhu cầu các đơn hàng trực tuyến để không lỡ nhịp.

Ông Nguyễn Vũ Trường Phó Giám đốc Sở Công thương, thông tin: Hiện nay, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã địa phương không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến. Những con số thống kê ban đầu chưa ấn tượng như kỳ vọng, nhưng đây chính là những đợt “gieo mầm” đầu tiên cho các vụ thu hoạch thành công hơn trên nền tảng số của nông nghiệp tỉnh nhà trong năm mới 2023 cũng như trong tương lai.

Trong năm 2022, Sở Công thương tỉnh đã hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp tạo tài khoản, đăng ký bán hàng trên các trang TMĐT để doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tại nhiều địa phương trên cả nước, đưa lên các sàn TMĐT hơn 50 loại sản phẩm, chủ yếu là các sản phẩm OCOP, nông sản chủ lực. Gần 9.000 đơn hàng giao dịch và doanh thu đạt hơn 2 tỉ đồng. Ngoài ra, còn đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị lớn, mỗi tháng khoảng 150 tấn sản phẩm các loại.

 

THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>