Phát huy tiềm năng công nghiệp Hậu Giang

12/04/2018 | 10:35 GMT+7

Nhờ thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư nên nhiều doanh nghiệp đã chọn Hậu Giang làm “bến đỗ”. Đây thực sự là điểm nhấn, khẳng định thành công của quá trình vận động, thu hút đầu tư về miền “đất lúa”.

Nhà đầu tư có nguyện vọng về Hậu Giang đều thấy rõ cơ chế, chính sách thu hút thông thoáng cũng như tính năng động của địa phương.

Dù được mệnh danh là vùng đất thuần nông, nhưng dáng dấp công nghiệp ở Hậu Giang đang dần định hình và vươn vai lớn mạnh. Đó là những công trường sừng sững bên bờ sông Hậu hay thương cảng tấp nập tàu thuyền cập bến.

Sức hấp dẫn từ cơ chế

Những tháng đầu năm, kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh liên tục có sự gia tăng đột biến, tạo động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Số đoàn các nhà đầu tư nước ngoài đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh ngày càng nhiều. Kết quả được ghi nhận bằng các biên bản ghi nhớ và giấy chứng nhận đầu tư được cấp. Ông Trần Quốc Dư, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản Cửu Long, một trong những nhà đầu tư vừa chủ động “gõ cửa” UBND tỉnh cho rằng trong mắt nhà đầu tư, Hậu Giang vẫn là tâm điểm về môi trường đầu tư thuận lợi. Sau thời gian khảo sát, tìm hiểu môi trường, công ty mong muốn đồng hành cùng tỉnh hoàn thiện hạ tầng công nghiệp. Do vậy, Công ty Cổ phần Bất động sản Cửu Long đã xin ý kiến UBND tỉnh về việc tham gia đầu tư và khai thác hạ tầng Cụm CNTT Đông Phú với tổng diện tích khoảng 120ha.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã tiếp và làm việc với 5 nhà đầu tư mới. Trong đó, có Công ty Dragon Joy International Engineering xin đầu tư nhà máy thép với quy mô khoảng 12ha, Công ty TNHH C.P đầu tư nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với quy mô khoảng 10ha, Công ty TNHH Kwong Lung (Đài Loan) xin đầu tư nhà máy may với diện tích khoảng 18ha, Công ty TNHH Nấm Nhiệt Đới đầu tư nhà máy sản xuất men, phân vi sinh và phân hữu cơ với diện tích khoảng 5ha, Công ty TNHH Khang Phú Hưng xin đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với diện tích khoảng 5ha. Đó là chưa kể các cuộc tiếp các doanh nghiệp qua điện thoại. Gần đây nhất là Công ty BS Heidelberg Solar GmbH (Đức) đã trực tiếp trao đổi với UBND tỉnh nhằm tìm địa điểm phù hợp đầu tư nhà máy điện mặt trời tại Hậu Giang. Bước đầu dự án được gợi ý đầu tư tại Cụm công nghiệp tập trung Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A. Sau đó, hai bên đã đi đến thỏa thuận hợp tác bằng biên bản ghi nhớ.

Trong năm 2018 và các năm tiếp theo, tỉnh tập trung cao độ cho Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh và Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú để đáp ứng nhu cầu đầu tư, nhất là đầu tư FDI. Cụ thể là đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông trọng yếu như nâng cấp, mở rộng đường số 3, số 6 và mở thêm đường số 1 tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, kéo dài và mở rộng đường 3B tại Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú. Các dự án hạ tầng nhằm mục đích phục vụ nhu cầu đi lại cho doanh nghiệp, giảm tình trạng căng thẳng về giao thông đồng thời tạo đà thu hút thêm dự án mới. Đặc biệt, tỉnh luôn kỳ vọng có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề đầu tư vào hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng các chuyến đi học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các địa phương như thành phố Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long đã phát huy giá trị. Nếu thu hút doanh nghiệp vào khai thác, kinh doanh hạ tầng sẽ giúp cho tỉnh giảm áp lực về vốn đầu tư và mở ra nhiều cơ hội hơn trong thu hút nhà đầu tư mới trong tương lai. Hiện nay, một số khu công nghiệp trong tỉnh đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nên việc đẩy mạnh hỗ trợ và thúc đẩy các chủ đầu tư phát triển hạ tầng thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng, sớm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo mặt bằng là yếu tố quan trọng.

Điểm mới trong tạo môi trường đầu tư là tỉnh đã chủ động giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp. UBND tỉnh cùng với các cơ quan chức năng đã tổ chức đối thoại thường kỳ với doanh nghiệp, đồng thời có công văn chỉ đạo rất sâu sát đảm bảo tình hình an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại đây rất an tâm sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư vào các khu công nghiệp như miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp… Điều này đã tạo nên thuận lợi cho các nhà đầu tư, được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao.

Phát huy tiềm năng

Hàng loạt những kế hoạch phát triển của doanh nghiệp triển khai tại các khu, cụm công nghiệp đã biến nơi đây thành vùng đất sôi động, đầy sức sống. Mới đây, dự án Kho cảng đầu mối xăng dầu với tổng vốn đầu tư 290 tỉ đồng của Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A - Giai đoạn 1, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành. Dự án có diện tích đất sử dụng khoảng 10,4ha, quy mô của dự án gồm bồn chứa 90.000m3, cầu cảng cho tàu có trọng tải đến 15.000DWT cập cảng. Sản phẩm, dịch vụ cung cấp gồm kho cảng tồn chứa, nhập xuất các loại xăng dầu và các sản phẩm từ xăng dầu. Cầm trên tay giấy chứng nhận, ông Lê Thanh Mân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, chân thành chia sẻ: “Chỉ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi doanh nghiệp kiến nghị với Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng tại hội nghị đối thoại thì dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Chúng tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của địa phương”.

Ông Lưu Phước Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuốc thú y và Chế phẩm sinh học Vemedim, vui mừng báo tin: Tuy mới đi vào hoạt động 3 phân xưởng từ năm 2014, nhưng mỗi tháng Công ty TNHH MTV Thuốc thú y và Chế phẩm sinh học Vemedim cho ra lò hơn 200 tấn thuốc thú y, mức tăng trưởng giữ ở khoảng 10-15%/năm. Sản xuất hơn 500 chủng loại thuốc của công ty hiện đã có mặt trên 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giai đoạn 2 với 3 phân xưởng sẽ hoàn thành vào giữa năm nay. Khi đó, chúng tôi sẽ di dời luôn trụ sở làm việc, khu thí nghiệm về Hậu Giang.

Theo ông Nguyễn Ngọc Điện, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, sở dĩ doanh nghiệp chọn Hậu Giang là điểm đến lý tưởng vì trước hết nhà đầu tư nhìn thấy được tiềm năng tại tỉnh so với những nơi khác. Lợi thế có thể nhìn thấy rõ là kết nối giao thông thuận tiện, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh nằm ngay trên các tuyến quốc lộ. Điều này, doanh nghiệp đầu tư sản xuất rất thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, giúp họ giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, lực lượng lao động tại địa phương rất dồi dào, đã được đào tạo. Thông qua các nhà đầu tư từng tiếp xúc và các doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh, nhà đầu tư có nguyện vọng về Hậu Giang đều thấy rõ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng cũng như tính năng động của địa phương.

Hiện tại, 2 khu công nghiệp (KCN) và 4 cụm công nghiệp tập trung (CNTT) đã thu hút được 42 nhà đầu tư thực hiện 49 dự án. Tổng mức thu hút đầu tư đạt 68.553 tỉ đồng và 763,7 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, ghi nhận có 3 doanh nghiệp đi vào hoạt động gồm Công ty TNHH Đầu tư Đan - Việt (KCN Tân Phú Thạnh), Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam (Cụm CNTT Phú Hữu A - Giai đoạn 1), Công ty Cổ phần nước AquaOne Hậu Giang (KCN Sông Hậu).

 

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>