Lo với cơn “sốt giá” hàng hóa

08/03/2023 | 18:49 GMT+7

Những tháng đầu năm, người tiêu dùng trong tỉnh liên tiếp chịu những đợt biến động của thị trường, dù hàng hóa vẫn dồi dào. Áp lực về giá cả khiến sức mua ở nhiều chợ sụt giảm trầm trọng.

Giá cả các mặt hàng thực phẩm, rau, củ, đồ dùng thiết yếu đang biến động nhiều đợt, vì thế mà sức mua có dấu hiệu giảm mạnh.

Áp lực giá cả tăng

Sau khi điều chỉnh vào cuối tháng 2, giá gas loại bình 12kg sử dụng nhiều trong nấu ăn hàng ngày của người dân đã gần 500.000 đồng/bình, tăng khoảng 63.000 đồng/bình. Trong khi gas là mặt hàng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của người dân cả thành thị lẫn nông thôn, việc giá gas bật tăng trong thời gian ngắn càng làm gánh nặng tăng lên trên vai người tiêu dùng, nhất là thời gian qua việc làm và thu nhập của một bộ phận người lao động thường xuyên không ổn định.

Không chỉ gas tăng giá mà giá xăng, dầu cũng đang là nỗi lo của hầu hết các doanh nghiệp, bởi nó là đầu vào của rất nhiều lĩnh vực kinh tế, do đó việc tăng giá xăng dầu chắc chắn tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm. Sau nhiều lần biến động, giá xăng hiện vẫn giữ ở mức cao, theo đó giá bán lẻ xăng E5 RON92 là 22.421 đồng/lít, còn xăng RON95 đang ở mốc 23.325 đồng/lít.

Mỗi lần xăng, dầu tăng giá đều kéo theo tiếng thở dài của người dân. Vì không đơn thuần chỉ là việc phải trả thêm mấy trăm đồng cho một lít xăng mà đằng sau đó là cả nỗi lo về giá cả, lạm phát… Dù đã ra tết hơn 1 tháng nay và đang bước vào thời điểm lượng hàng hóa rất phong phú, đa dạng chủng loại, thế nhưng giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân vẫn còn cao ngất ngưỡng làm cho các bà nội trợ không ngừng than thở. Nếu so sánh giá cả các loại hàng hóa ngay thời điểm hiện tại với những ngày trước Tết Nguyên đán thì có giảm chút ít, nhưng vẫn còn cao. Bởi vì giá các mặt hàng thực phẩm, rau, củ, đồ dùng thiết yếu đang biến động nhiều đợt.

Đánh giá từ ngành chức năng tỉnh, bình quân chỉ số giá thực phẩm trong tháng 2-2023 tăng so với tháng trước. Cụ thể, thịt heo tăng 1,30%; nội tạng động vật tăng 0,94%; thủy sản tươi sống tăng 1,82%. Tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, giá heo hơi tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước, hiện heo hơi tại Hậu Giang có giá dao động từ 50.000-52.000 đồng/kg. Hiện tại các mặt hàng rau củ quả cũng có biến động, cụ thể bí đỏ có giá 24.000 đồng/kg, tăng 6.000 đồng/kg; bí xanh 28.000 đồng/kg, cà rốt là 19.000 đồng/kg, cải ngọt có giá 28.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg; khoai tây ở mức 34.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; dưa leo là 22.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg...

Người dân thêm khó

Việc giá xăng, dầu, điện, nước tăng đang là gánh nặng cho người làm công ăn lương. Anh Hoàng Tấn Lộc, một người giao hàng ở thành phố Vị Thanh, than thở: “Trước đây, khi giá xăng dầu chưa tăng, cuộc sống khá ổn định. Trung bình mỗi tháng thu nhập cũng hơn 5 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá xăng liên tục tăng nên số tiền chi cho xăng dầu cũng tăng thêm nhiều nên thu nhập cũng giảm theo”.

Theo anh Lộc, hiện nay anh ở trọ, mỗi tháng đã chi tiêu cho tiền trọ, chi phí điện, nước cũng đã 700.000-800.000 đồng, đó là chưa kể còn các khoản chi tiêu khác. “Hiện tại, để bù đắp cũng như đảm bảo thu nhập, tôi phải cố gắng giao nhiều hàng trong ca của mình. Không chỉ xăng mà còn các chi phí khác cũng tăng mỗi thứ một chút, người làm công ăn lương như tôi vô cùng khó”.

Người nội trợ trong gia đình là thấy rõ nhất sự điều chỉnh giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm khi các loại nhiên liệu điều chỉnh tăng nhiều đợt vừa qua. Vừa xách giỏ đồ ra khỏi chợ, chị Lê Thị Bích Kiều, ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Bây giờ, giá cả cái gì cũng tăng, khổ lắm. Thời buổi này bước ra đường mà cầm ít tiền trong tay là không thể mua được gì. Nhà tôi ba người mua nửa ký thịt cũng đã 50.000-60.000 đồng mà ăn chỉ có một bữa, hôm sau lại phải mua tiếp; cá biển, cá đồng gì cũng lên giá chóng mặt, cá lóc đồng giờ cũng khoảng 110.000-120.000 đồng/kg, muốn ăn những món dân dã hồi xưa như canh chua cá lóc hay cá lóc đồng kho tộ cũng phải đắn đo vì giá cao quá. Đến cả chi phí mua nước mắm, bột ngọt, đường cũng là một vấn đề khó khăn. Lượng tăng mỗi món không nhiều nhưng nếu gộp lại thì mỗi chuyến đi chợ ít nhiều tăng thêm 20.000-50.000 đồng mới thấy giật mình”.

Cũng loay hoay với bài toán cân đối chi phí sinh hoạt, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, ở phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Gia đình tôi có 2 người, bình thường tôi sử dụng 1 bình gas khoảng 1 tháng, chủ yếu là nấu đồ ăn sáng để bán và nấu ăn trong gia đình. Vừa rồi, gọi điện giao gas thì cửa hàng báo tăng lên hơn 60.000 đồng/bình so với đợt trước. Vì vậy, tôi thường sử dụng bếp củi để nấu các món cần thời gian nấu lâu để tiết kiệm phần nào chi phí. Vì nếu sử dụng hoàn toàn bếp gas thì tiền lời từ việc bán đồ ăn sáng cũng không đủ để chi trả”.

Tiểu thương than ế

Những ngày qua, ngay cả tiểu thương ở khu vực kinh doanh các loại rau, củ của các chợ trên địa bàn tỉnh cũng than ế. Theo tiểu thương, số lượng người đi chợ giảm khá nhiều, lượng hàng bán ra cũng giảm mạnh. Bà Hơn, kinh doanh ngành hàng trái cây ở chợ Nàng Mau, huyện Vị Thủy, lo lắng: “Năm nay giá trái cây tăng đột biến, có loại tăng hơn 10.000 đồng/kg. Vì vậy mà mùa nóng năm nay sức mua tại chợ không tăng bao nhiêu so với bình thường và giảm khoảng 40% so với năm trước, trong khi chi phí cho việc đi lại, buôn bán và ăn uống đều tăng cao”.

Một tiểu thương ở chợ Vị Thanh cho hay: “Ngày bình thường tôi bán được 40-50kg rau, củ thì nay chỉ còn 20-30kg. May mà tôi lấy vừa đủ, không bị ế hàng. Mấy bữa nay người ta mua ít quá, chắc thấy hàng nào cũng lên giá nên ai cũng mua ít lại. Tôi lấy hàng sỉ ở mấy hộ trồng rẫy dây trong tỉnh mà còn mắc vậy, chứ mấy tiểu thương lấy hàng từ các điểm bỏ mối từ nơi khác giá còn cao hơn nhiều”.

Theo thống kê, hoạt động bán lẻ hàng hóa và kinh doanh các loại hình dịch vụ đều giảm so với tháng trước. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ được hơn 4,43 tỉ đồng, giảm 6,72% so với tháng trước. Có thể thấy, khi xăng, dầu, điện tăng, hàng loạt các ngành sản xuất cũng bị tác động và có khả năng phải tăng giá sản phẩm, dịch vụ. Vì thế, bao nhiêu thiệt thòi vẫn sẽ đổ lên vai người tiêu dùng. Do đó, cần lắm những giải pháp để giảm bớt gánh nặng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng tăng giá kiểu “té nước theo mưa” và neo giá ở mức cao gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, tác động xấu đến thị trường.

UBND tỉnh Hậu Giang vừa có chỉ đạo cụ thể liên quan đến công tác bình ổn thị trường về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tháng 3. Theo đó, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường xăng dầu, các mặt hàng phục vụ nhu cầu của người dân trong sản xuất, kinh doanh, để có phương án xử lý đảm bảo nguồn cung và giá cả hợp lý cho người dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

 

Bài, ảnh: Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>