Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

25/05/2022 | 10:23 GMT+7

“Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” đang được tích cực triển khai trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của tỉnh.

Bài 1: Đồng hành vì sự phát triển chung

Bám sát Chương trình trên, thời gian qua, tỉnh nhà đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tham gia chương trình, các doanh nghiệp sẽ tự tin hơn khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Nâng tầm sản phẩm

Nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm thương mại của tỉnh luôn là một nhiệm vụ được quan tâm, chú trọng thực hiện. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiêu biểu là Quyết định số 1950 ngày 28-9-2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến năm 2020”; Kế hoạch số 10 ngày 4-2-2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020”... Qua triển khai dự án này, nhiều doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã được trợ lực để cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm của mình.

Tham gia dự án từ năm 2019, Công ty TNHH Tân Hậu Giang, thành phố Vị Thanh, đã được hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Lý Hồng Tiên, Công ty TNHH Tân Hậu Giang, cho biết: “Khi có giấy chứng nhận vườn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi gặp các đối tác, trình bày về vùng nguyên liệu và cá đạt chuẩn như vậy, giúp họ có thêm niềm tin vào chất lượng sản phẩm của mình tốt hơn. Từ đó, nhu cầu của đối tác khi chốt đơn hàng của chúng tôi sẽ cao hơn”.

Tương tự, cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức, thành phố Ngã Bảy cũng được dự án hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng HACCP. Với hệ thống này, các sản phẩm của doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra, hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, doanh nghiệp tự tin, mạnh dạn hơn khi mở rộng quy mô sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường.

Không chỉ có 2 doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã khác trên địa bàn tỉnh cũng đã có sự chuyển biến tích cực trong sản xuất, kinh doanh sau khi tham gia các dự án này. Để phát huy những kết quả đó, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 33 ngày 28-2-2022 thực hiện “Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Chương trình đang được triển khai trên toàn tỉnh, với nhiều mục tiêu và nội dung thực hiện cụ thể.

Giúp sản phẩm tự tin vươn xa

“Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, được triển khai với mục tiêu: “Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Hậu Giang trên thị trường”.

Trong giai đoạn 2021-2025, có 24 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001, 14000, 22000, 50001, 17025, SA 8000, HACCP,…; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; áp dụng chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Có 16 doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng (Kaizen, 5S, Six Sigma, các công cụ thống kê…), công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố.

Trong giai đoạn này, còn có 8 sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ cấp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, quy chuẩn kỹ thuật; 4 doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia,... Đến giai đoạn 2026-2030, số lượng doanh nghiệp và sản phẩm được hỗ trợ sẽ tăng lên để nâng cao hiệu quả hoạt động của chương trình.

Theo ông Lý Hùng Phương, Chi cục Trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh: “Đối tượng hỗ trợ của chương trình là các doanh nghiệp, kể cả hợp tác xã, sản xuất các sản phẩm công nghiệp được xác định giữ vai trò đột phá trong quá trình phát triển, như công nghiệp chế biến (chế biến rau quả, thủy sản…); công nghiệp chế tạo (ngành cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản...); sản xuất hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh; quần áo may sẵn, giày da, hàng tiêu dùng… Ngoài ra, còn có các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các nhiệm vụ của chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh”.

Chương trình được triển khai hứa hẹn là nguồn trợ lực rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

-------------------

Bài 2: Trợ lực cho doanh nghiệp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>