Đẩy mạnh phát triển công nghiệp

23/02/2022 | 08:16 GMT+7

Với thế mạnh về nông nghiệp, thời gian qua Hậu Giang đã tập trung kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất vừa thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp của tỉnh phát triển, qua đó cũng góp phần giải quyết tốt vấn đề đầu ra cho nông sản địa phương.

Nông sản chế biến được xem là thế mạnh của Hậu Giang trong xuất khẩu. Ảnh: T.TRÚC

Được thành lập và đi vào hoạt động cách đây hơn 4 năm, với trụ sở nhà máy chế biến đặt tại ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, với diện tích 20.000m2, Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh có dây chuyền sản xuất hiện đại, hoàn toàn tự động theo tiêu chuẩn châu Âu với công suất lên đến 10.000 tấn/năm. Mong muốn của công ty là cùng với địa phương khai thác có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp, từ đó xây dựng vùng nguyên liệu để nhà máy sản xuất các loại nước ép để xuất khẩu. Ba năm qua, công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu mãng cầu xiêm, hiện nay còn có quả tắc, chanh không hạt, chanh dây.

Ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh, cho biết: “Tuy mới thành lập, nhưng trung bình 3 năm qua, mỗi năm nhà máy đã tiêu thụ cho bà con nông dân ở huyện Phụng Hiệp từ 300-500 tấn mãng cầu xiêm các loại. Sau trái mãng cầu, hướng tới nhà máy sẽ tập trung sản xuất, chế biến thêm các nông sản chủ lực khác của huyện Phụng Hiệp”.

Ngoài Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh, thời gian qua huyện Phụng Hiệp cũng đã kêu gọi Công ty TNHH Một thành viên Phân hữu cơ Ân Thịnh Điền xây dựng nhà máy trên địa bàn, với diện tích 14.033m2, công suất trong những năm đầu tiên 6.500 tấn phân hữu cơ/năm và khi mở rộng sẽ nâng lên 50.000 tấn/năm, nhằm để cung ứng phân hữu cơ chất lượng với giá thấp cho nông dân trong huyện. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Việc các doanh nghiệp chế biến hình thành trên địa bàn sẽ giúp cho lĩnh vực nông nghiệp của huyện phát triển. Như việc có công ty phân bón thì nông dân sẽ mua phân bón với giá rẻ hơn. Hay có công ty chế biến thì nông dân bán sản phẩm với giá cao và nguồn hàng sẽ tiêu thụ ổn định không bị dư thừa như thời gian qua.

Tuy không phải là lĩnh vực thế mạnh, nhưng nhờ thực hiện có hiệu quả công tác kêu gọi và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, hiện tại toàn huyện Phụng Hiệp có 898 cơ sở và 15 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, so với năm 2015 tăng 206 cơ sở. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện tập trung chủ yếu ở loại hình kinh tế ngoài nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp trong toàn ngành. Thế mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện tập trung ở các ngành nghề chế biến. Trong đó, ngành sản xuất chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm trên 80% tổng giá trị sản xuất của ngành.

Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: Để thúc đẩy cho lĩnh vực công nghiệp phát triển, thời gian qua ngành đã tham mưu cho huyện quy hoạch Cụm công nghiệp Tân Phước Hưng với diện tích khoảng 50ha và đã phê duyệt xong. Song song đó, huyện cũng phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã dự kiến quy hoạch Cụm công nghiệp Long Thạnh và Cụm công nghiệp Tân Phước Hưng. Ở những cụm công nghiệp này, huyện chủ yếu kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp với các ngành chế biến, bởi với thế mạnh là một huyện nông nghiệp hàng hóa nông sản dồi dào sẽ thúc đẩy cho hai lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cùng phát triển.

Công nghiệp đã được tỉnh Hậu Giang quy hoạch là 1 trong 4 trụ cột của tỉnh, vì vậy, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ lập quy hoạch phát triển 7 khu công nghiệp với diện tích 1.884ha tại huyện Châu Thành, Châu Thành A và Phụng Hiệp. Theo đó, đầu tư hoàn thiện, đồng bộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu, bố trí vốn đầu tư hoàn thiện Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, Khu công nghiệp Sông Hậu. Kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp có năng lực để đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh đó, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, mới, sạch, tiết kiệm, sử dụng các nguyên liệu thế mạnh tại địa phương. Khuyến khích đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, tiến hành hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa sản xuất trên địa bàn huyện; chú trọng phát triển khoa học công nghệ theo hướng mua sắm thiết bị máy móc phải là thiết bị máy móc của dây chuyền công nghệ mới, công nghệ tiên tiến.

Việc kêu gọi thành lập các nhà máy chế biến, sẽ góp phần giải quyết vấn đề đầu ra nông sản của nông dân. Ảnh: D.KHÁNH

Ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, dự án công nghiệp có tính lan tỏa, đóng góp lớn vào ngân sách. Thu hút doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại chỗ, có cơ chế tiền lương, thu nhập cho người lao động ở mức khá so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tạo quỹ đất sạch, đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, sẵn sàng cho doanh nghiệp đầu tư mới vào tỉnh để đón bắt kịp xu hướng dịch chuyển đầu tư. Ưu tiên phát triển hạ tầng công nghiệp, chú trọng đầu tư hạ tầng kết nối với khu, cụm công nghiệp và hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp. Ưu tiên chi đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp cho huyện Châu Thành và Châu Thành A trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Theo định hướng của tỉnh, thời kỳ 2021-2025, công nghiệp được xác định là ngành giữ vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế; do đó, phải huy động, tận dụng nhiều nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp phát triển, nhất là công nghiệp chế biến (rau, quả, thủy sản...), chế tạo. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) lĩnh vực công nghiệp tăng bình quân 17,4%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp tăng từ 20,24% năm 2020 lên 28% năm 2025 trong cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 15%/năm, quy mô giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 93.000 tỉ đồng vào năm 2025. Năng suất lao động khu vực công nghiệp tăng từ 130 triệu đồng/lao động/năm lên 280 triệu đồng/lao động/năm, tăng bình quân 16,5%/năm. Đến năm 2025, huyện Châu Thành cơ bản trở thành huyện công nghiệp của tỉnh.

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>