Bài toán thương mại nông thôn: Bao giờ có lời giải ?

24/05/2024 | 09:58 GMT+7

Bài 3: Cần lắm những giải pháp để phát triển chợ nông thôn

Chợ nông thôn được cải tạo, nâng cấp, xây mới sẽ tạo điều kiện cho người dân có nơi mua bán, trao đổi tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư sản xuất được tốt hơn. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý cần phải có những quy hoạch chiến lược để chợ truyền thống có thể thay đổi, phát triển và tìm lại được “chỗ đứng” của mình.

Khu chợ nông thôn Vị Thanh được đầu ngăn nắp, sạch sẽ đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân.

Khó khăn còn bộn bề

Qua khảo sát của cơ quan chức năng tỉnh cho thấy, tại một số chợ, hoạt động khai thác, kinh doanh vẫn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định, như: công tác đầu tư, di chuyển chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ; vệ sinh môi trường; việc chuyển đổi công năng đối với một số chợ hoạt động không hiệu quả; công tác xử lý, dẹp bỏ đối với các chợ tạm, chợ tự phát còn hạn chế; việc xử lý đối với các hộ kinh doanh sinh sống trong phạm vi chợ hay xây dựng văn minh thương mại chưa được quyết liệt; chưa phát huy được tính chủ động của địa phương trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ...

Cùng với đó, hiện nay so với sự phát triển đi lên của các loại hình kinh doanh bán hàng online, cửa hàng tiện ích hay siêu thị, trung tâm thương mại… cũng có tác động không nhỏ tới hoạt động của chợ truyền thống, khiến cho thị phần chợ ngày càng mất đi sự tồn tại vốn có. Theo thống kê của Sở Công thương Hậu Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 65 chợ, trong đó 6 chợ hạng 1, 7 chợ hạng 2, 50 chợ hạng 3, và 2 chợ đêm.

Chị Nguyễn Thị Ngân, tiểu thương bán cá ở chợ Trà Lồng, phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Tôi đã bán ở chợ được một thời gian khá lâu nên ít nhiều đã chứng kiến được những thay đổi của chợ từ xa xưa cho tới nay. Trước đây, hoạt động mua bán tại chợ luôn tấp nập, nhộn nhịp, người dân đi chợ nhiều. Nhưng bây giờ trong thời buổi kinh tế khó khăn, người dân cũng hạn chế chi tiêu những thứ không cần thiết. Trước sự phát triển của xã hội với nhiều loại hình buôn bán hiện đại thì những giá trị của chợ truyền thống vẫn cần được lưu giữ, bởi chợ là nơi giao thương từ xưa với những nét đẹp mua bán từ lâu đời không thể bị mai một. Hy vọng thời gian tới, các ngành chức năng sẽ có những chính sách, hướng phát triển hợp lý để đưa chợ truyền thống ngày càng phát triển theo hướng hiện đại”.

Khó ở đâu, tháo gỡ ở đó

Ý thức rõ tầm quan trọng của chợ trong việc phát triển kinh tế tỉnh nhà, thời gian qua, Hậu Giang đầu tư nhiều ngân sách cho việc phát triển mạng lưới chợ nông thôn. Bằng nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau, với mong muốn tạo ra những giải pháp hữu hiệu để góp phần đưa thương mại - dịch vụ ở những nơi này phát triển hơn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.

Trong năm qua, nhiều khu chợ mới được cải tạo, nâng cấp. Sau thời gian đi vào hoạt động đã phần nào phát huy được hiệu quả vốn có của nó. Có chợ, bà con tiểu thương thật sự phấn khởi khi có được nơi kinh doanh buôn bán khang trang. Cách đây 1 năm, nhiều tiểu thương tại chợ Vĩnh Tường, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, thường than phiền vì chợ xập xệ, xuống cấp. Thời điểm đó, nền chợ luôn ngập nước, phần mái đã bị hư hỏng nặng, dột nước, sơn tường bong tróc, nham nhở.

Vào cuối năm 2023, chợ Vĩnh Tường được đầu tư sửa chữa. Toàn bộ mái tôn khu nhà chính của chợ được sửa chữa, thay mới; nâng nền; nâng cấp đường vào chợ; hệ thống thoát nước, chống ngập được khơi thông, tu sửa; tường được sơn lại… Khi việc sửa chữa hoàn thành, khu chợ đã có diện mạo mới khang trang hơn. Chợ Vĩnh Tường có khoảng 24 tiểu thương, hộ kinh doanh buôn bán chủ yếu kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm hàng ngày của người dân.

Chị Kim Ba, tiểu thương ở chợ Vĩnh Tường, cho biết: “Trước kia cứ mưa là dột, bà con phải căng bạt che hàng hóa và để người mua, người bán có chỗ tránh mưa. Hệ thống thoát nước không tốt nên chợ lúc nào cũng ướt, bẩn, mất vệ sinh nghiêm trọng. Giờ đây, chợ khang trang, sạch sẽ hơn, chúng tôi dỡ hết bạt ra rồi, nhìn thoáng đãng, đẹp hơn hẳn”.

Ông Lý Minh Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tường, thông tin: Chợ Vĩnh Tường là khu chợ đã được đầu tư xây dựng từ rất lâu. Đến cuối năm 2023, chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ phần mái tôn hư hỏng nặng do các tiểu thương ở chợ sử dụng than đá để nấu nên phần mái bị ám khói đen, mục nát. Khi có chủ trương đầu tư nâng cấp chợ từ nguồn kinh phí ngân sách địa phương, chúng tôi đã mạnh dạn xây dựng chợ khang trang, hiện đại để bà con ở đây có nơi kinh doanh, buôn bán thuận tiện hơn, đảm bảo cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với việc phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, thời gian qua Sở Công thương căn cứ vào quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Trong đó đã đưa một số hạng mục về chợ trên địa bàn tỉnh cần nâng cấp, sửa chữa và xây mới trong từng giai đoạn. Cụ thể, trong những năm qua Sở Công thương đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh khai thác chợ đã nâng cấp, sửa chữa một số chợ xuống cấp trên địa bàn như: chợ Long Mỹ, chợ Long Trị A, chợ Vĩnh Tường (thị xã Long Mỹ), chợ Vĩnh Thuận Đông, chợ Vĩnh Viễn, chợ Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ), chợ Phường IV, chợ Phường VII, chợ đêm (thành phố Vị Thanh) từ nguồn ngân sách nhà nước; nâng cấp chợ Nàng Mau (huyện Vị Thủy) và chợ Ngã Bảy (thành phố Ngã Bảy) từ nguồn ngân sách doanh nghiệp.

Giải pháp cho thời gian tới

Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm phát triển hạ tầng thương mại, trong đó có kế thừa hạ tầng thương mại truyền thống phục vụ nhu cầu của người dân và các đơn vị kinh doanh. Trong thời gian tới, ngành chức năng và các địa phương xác định tập trung thu hút nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách để phát triển hạ tầng thương mại.

Để phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống chợ nông thôn, chính quyền các địa phương cần có giải pháp quản lý hoạt động chợ. Bên cạnh đó, cần đào tạo nhân lực, chuyển đổi mô hình quản lý chợ để kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, để tạo dựng được vị trí, các chợ truyền thống cũng phải tạo cho mình những cơ chế riêng về giá cả, thị trường cạnh tranh, chất lượng an toàn thực phẩm. Đồng thời, cũng phải phát huy được những thế mạnh của chợ với các mặt hàng buôn bán đồ tươi sống song song với đảm bảo các hạ tầng cấp thoát nước, vệ sinh môi trường.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang Nguyễn Hữu Ái cho biết: Thực tế hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, thời gian tới, để hoạt động chợ truyền thống đạt hiệu quả, phát triển song hành với các loại hình buôn bán khác, Sở Công thương sẽ tập trung, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động các tiểu thương buôn bán đổi mới tư duy, phương thức kinh doanh; tạo dựng lòng tin với khách hàng bằng việc bán những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết, đẹp mắt, tiện lợi, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa những nhu cầu, thói quen mua bán hàng hóa đã có từ xưa của người tiêu dùng và hướng tới đáp ứng xu thế phát triển hiện đại.

Sở Công thương cũng sẽ tăng cường rà soát mạng lưới chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh, kêu gọi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hoặc phát triển theo hình thức Hợp tác Công - Tư (PPP) nhằm đảm bảo cho Nhân dân trên địa bàn có đủ chợ dân sinh phục vụ đời sống hàng ngày với quy mô xây dựng chợ hạng III là phù hợp. Đồng thời, xem xét bổ sung một số cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các đơn vị đầu tư xây dựng chợ, đặc biệt là đối với các chợ tại vùng nông thôn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Y.L

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>