Xung đột Nga - Ukraine kéo dài: Thế giới đang ở ranh giới rất nguy hiểm

27/04/2023 | 11:00 GMT+7

Hơn 1 năm xảy ra xung đột ác liệt, giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có tín hiệu hạ nhiệt mà nguy cơ trở thành chiến tranh thế giới vì nhiều lý do.

Xung đột Nga - Ukraine khiến chi tiêu quân sự toàn cầu tăng mạnh nhất trong hơn 3 thập kỷ qua. Nguồn: ANADOLU  

Mới đây, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng thế giới đang tiến đến một ranh giới rất nguy hiểm, hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Bởi lẽ, nhiều nước đã mất niềm tin vào chủ nghĩa đa phương. Ông Lavrov cáo buộc, chính sách trừng phạt đơn phương của Mỹ và phương Tây đã phá hủy lợi ích của toàn cầu hóa. Ngoại trưởng Nga cũng kêu gọi các nước “làm sống lại văn hóa đối thoại giữa các quốc gia”.

Ông Lavrov cho rằng LHQ đang chịu đựng một cuộc khủng hoảng sâu sắc và Mỹ đã thay thế luật pháp quốc tế bằng một trật tự dựa trên một luật lệ nhất định. Hay nói một cách khác, Mỹ đã thực hiện một chính sách phá hủy cấu trúc của LHQ.

Trước đó, Nga cũng đã cáo buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tiến đến ranh giới nguy hiểm của sự đụng độ quân sự trực tiếp với Nga với việc tăng cường cung cấp vũ khí, cung cấp thông tin tình báo, huấn luyện binh sĩ, đưa ra định hướng về việc tiến hành chiến sự cho Ukraine chống lại Nga.

Trong một động thái liên quan, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đánh giá rằng, thế giới đang đối mặt với những cuộc khủng hoảng chưa từng có, hệ thống đa phương đang chịu áp lực lớn nhất kể từ khi LHQ được thành lập, căng thẳng giữa các cường quốc đang rất trầm trọng, nguy cơ nổ ra xung đột do rủi ro hoặc tính toán sai lầm cũng rất cao. Ông Guterres kêu gọi các nước thành viên LHQ sử dụng công cụ ngoại giao để giải quyết các xung đột một cách hòa bình.

Thực tế từ khi mở chiến dịch đặc biệt nhằm vào Ukraine, Nga đã nhiều lần nhắc đến “lằn ranh đỏ” nếu Mỹ và phương Tây trực tiếp tham gia chiến trường này. Ông Vladimir Yermakov, Giám đốc Cục Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga, vừa tuyên bố: “Nếu Mỹ tiếp tục đi theo con đường đối đầu Nga như hiện nay, với nguy cơ liên tục leo thang đến bờ vực xung đột vũ trang trực tiếp, thì số phận Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) có thể đã được định đoạt. Đồng thời, Nga cũng cảnh báo nguy cơ đụng độ quân sự trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân Nga - Mỹ gia tăng, do “hành động đối đầu” của Washington”.

Trong khi đó, hồi tháng 3 Mỹ thông báo với Nga sẽ ngừng trao đổi một số dữ liệu về lực lượng hạt nhân, nhằm trả đũa Nga khi trước đó Matxcơva từ chối trao đổi dữ liệu này và đình chỉ tham gia New START. Washington gọi đây là phản ứng thỏa đáng đối với việc Nga đình chỉ tham gia hiệp ước New START.

Điều đáng quan ngại là Nga, Trung Quốc đang bắt tay để đối phó Mỹ với phương Tây. Ông Yermakov cho biết thêm, Nga và Trung Quốc sẽ đánh giá khả năng phương Tây tham gia vào nỗ lực mở rộng hệ thống chống tên lửa của Mỹ ra toàn cầu, điều “rõ ràng làm suy yếu sự ổn định chiến lược”. Ông cũng nhấn mạnh Nga không quan tâm phương Tây nghĩ gì về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus và chỉ có “an ninh của Nhà nước Liên minh Nga và Belarus” mới là điều quan trọng.

Để đối phó với Nga, hiện tại Washington đã bố trí vũ khí hạt nhân tại 6 cơ sở quân sự ở 5 quốc gia châu Âu, để các đồng minh NATO có thể tấn công mục tiêu chiến lược trên đất Nga hoặc Belarus.

Giới quan sát cho rằng, cả Nga, Mỹ và NATO đều có động thái sẵn sàng cho một cuộc chiến bằng vũ khí hạt nhân nếu như quyền lợi quốc gia của họ bị xâm phạm. Trong khi đó, giao tranh Nga - Ukraine (có sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây) ngày càng ác liệt hơn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này đồng nghĩa với cuộc chiến sẽ lan rộng khỏi lãnh thổ Ukraine bất cứ lúc nào. Nếu tình huống xấu này xảy ra thì thế giới đang đứng trước nguy cơ chiến tranh ngoài mong muốn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>