Vỡ đập thủy điện Nova Kakhovka: Nga ban bố tình trạng khẩn cấp

08/06/2023 | 17:39 GMT+7

Hơn 18 tỉ m3 nước từ đập Kakhovka tràn xuống hạ lưu sông Dnieper, nhấn chìm các thành phố, làng mạc, đe dọa hàng chục nghìn dân thường ở Kherson khiến Nga phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Đập thủy điện Kakhovka tại thị trấn Nova Kakhovka, miền Nam Ukraine bị vỡ ngày 6-6-2023. Ảnh: AFP

Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết, lệnh tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại thị trấn Nova Kakhovka, hiện do quân đội Nga đang kiểm soát ở tỉnh Kherson của Ukraine, sau vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka (HPP). Hiện nước tại nhiều nơi ở Novaya Kakhovka đã lên cao 10m, 14 khu dân cư nằm trong vùng lụt và tổng cộng 80 làng có thể ngập sâu. Bước đầu thống kê đã có hơn 600 ngôi nhà thuộc 3 khu dân cư ở bên bờ sông Dnieper tại Novaya Kakhovka bị ngập. Đất nông nghiệp dọc sông Dnieper đã bị cuốn trôi. Người dân gần các khu này đang được đi sơ tán.

Trên đây chỉ là thống kê thiệt hại ban đầu còn về lâu dài vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka sẽ để lại hậu quả khó lường đến môi trường sinh thái, cuộc sống của người dân và cả nguy cơ sự cố ngoài mong đợi tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhà máy lớn nhất châu Âu.

Người đứng đầu Crimea, ông Sergei Aksyonov cho biết nguy cơ mực nước tại kênh Bắc Crimea sẽ giảm sau vụ vỡ đập trên. Kênh này là nơi cung cấp nước ngọt từ sông Dnipro cho Crimea. Tuy nhiên, theo quan chức trên, hiện Crimea có đủ nguồn dự trữ nước và nguy cơ có thể rõ rệt hơn trong vài ngày tới.

Còn Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Rafael Grossi cho biết, vỡ đập Kakhovka sẽ dẫn tới việc thiếu nước làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và có thể làm gián đoạn hoạt động của các máy phát điện khẩn cấp.

Cùng quan điểm trên, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Trương Quân bày tỏ sự quan ngại lớn về việc phá hủy đập Kakhovka trên sông Dnipro ở Ukraine có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân. Ông Trương Quân tuyên bố: “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại lớn về việc phá hủy đập tại nhà máy thủy điện Kakhovka, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa, tránh những phát ngôn và hành động có thể leo thang đối đầu và dẫn đến tính toán sai lầm, đồng thời duy trì sự an toàn và an ninh của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, tổ chức này không có bất kỳ thông tin độc lập nào về vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka, song mô tả đây là “một hậu quả tàn khốc khác” của cuộc xung đột Ukraine. Ông Guterres nhấn mạnh đây là một “thảm họa nhân đạo, kinh tế và sinh thái lớn. Ít nhất 16.000 người đã mất nhà cửa, nguồn cung cấp nước sạch và mất an toàn. Hàng nghìn người khác có nguy cơ bị ảnh hưởng”.

Trong một động thái liên quan, Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị hỗ trợ Ukraine trong việc giải quyết hậu quả của vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnipro ở Kherson. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cho biết, EU sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết và viện trợ nhân đạo để giảm thiểu hậu quả của thảm họa vỡ đập.

Về nguyên nhân dẫn đến vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka hôm 6-6, Ukraine và Nga đều đổ lỗi cho nhau gây ra vụ việc trên.

Theo TASS, binh sĩ Ukraine đã tiến hành một đợt không kích trong đêm 5-6 nhằm vào cơ sở phát điện này bằng hệ thống phóng rocket đa nòng Olkha. Cuộc không kích đã phá hủy nhiều van nước và khiến các máy bơm nước không thể kiểm soát được dòng chảy.

Tuy nhiên, phía Ukraine lại lên tiếng cáo buộc các lực lượng của Nga đã làm vỡ đập để ngăn chặn phản công của lực lượng Ukraine, đồng thời cảnh báo những hậu quả lớn từ vụ vỡ đập thủy điện này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã triệu tập cuộc họp khẩn Hội đồng An ninh quốc gia để bàn giải pháp khắc phục hậu quả vụ việc trên.

Cho dù là ai gây ra, vụ không kích đánh vỡ đập thủy điện Kakhovka là một hành động đáng lên án. Bởi lẽ, vụ việc trên không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục nghìn người mà còn để lại hậu quả lâu dài cho vùng đất này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>