Vì sao số người nhập cư vào Anh tăng kỷ lục ?

29/11/2023 | 06:37 GMT+7

Số người nhập cư vào Anh tăng kỷ lục, trong khi con số này lại giảm đối với Đức. Đây là một nghịch lý bởi nhiều năm qua làn sóng người di cư vào Đức lớn nhất châu Âu.

Người di cư được lực lượng cứu hộ giải cứu và đưa về bờ biển phía Đông Nam nước Anh, sau khi băng qua eo biển Manche.  Ảnh tư liệu: AFP

Bất chấp lời hứa của Thủ tướng Anh Rishi Sunak về việc giảm lượng người nhập cư, con số người di cư đến Vương quốc Anh vẫn cứ tăng theo thời gian. Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), số lượng di cư ròng tới Anh đã đạt mức kỷ lục 745.000 lượt vào năm 2023, cao hơn so với dự đoán trước đây.

Theo ONS, hầu hết những người đến Anh trong năm nay đều là công dân không thuộc EU, tổng cộng 968.000 người, tiếp theo là 129.000 công dân EU và 84.000 người Anh. Việc làm là lý do lớn nhất khiến người ngoài EU di cư đến Anh, con số ròng là 278.000, tiếp theo con số ròng là 263.000 người đến để học tập. Số lượng thị thực làm việc tại Anh trong thời gian gần đây chủ yếu được cấp cho những người làm việc trong lĩnh vực y tế và chăm sóc. Hai lý do chính khiến số người di cư vào Anh tăng kỷ lục là mức thu nhập cao và hưởng hệ thống phúc lợi đầy hấp dẫn.

Thực tế, di cư hợp pháp đã tăng vọt kể từ khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 1-2020. Năm 2021, tổng số di cư ròng là 488.000. Một số người ủng hộ Đảng Bảo thủ kêu gọi ông Sunak “hành động ngay” để cắt giảm lượng di cư ròng. Con số này cứ tăng lên theo từng năm.

Số người di cư vào Anh liên tục tăng một mặt đã tạo điều kiện thuận lợi về nguồn lao động đa dạng cho Xứ sở Sương mù này. Tuy nhiên, người di cư vào Anh tăng nhanh đã dẫn đến hệ lụy khó lường như: người bản địa mất việc làm, chia rẽ trong xã hội Anh, ngân sách Anh chịu nhiều áp lực và an sinh xã hội cũng phải thêm gánh nặng vì những người nhập cư…

Trước thực trạng trên, Anh đã thắt chặt hơn các điều khoản trong thỏa thuận quy chế đặc biệt đạt được với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 2-2016, trong đó có việc hạn chế những quyền lợi của người dân EU tới Anh, nhằm giúp giảm lượng người di cư tại quốc gia này. Tuy nhiên, những giải pháp này xem ra kém hiệu quả.

Nhập cư, một vấn đề chính trị lâu nay gây nhiều tranh cãi ở Anh sẽ trở thành vấn đề then chốt trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm tới, cuộc bầu cử mà Đảng Lao động đối lập hiện đang được đánh giá cao sẽ giành chiến thắng.

Trong khi đó, tại Đức quốc gia được cho là tiếp nhận người di cư nhiều nhất EU thì hoàn toàn ngược lại, số người nhập cư đã giảm nhanh. Cảnh sát Đức ghi nhận số người nhập cảnh trái phép vào nước này qua biên giới với Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ đã giảm 40% kể từ khi Đức áp dụng các biện pháp kiểm soát mới hồi tháng trước.

Hiện mỗi ngày chỉ có chưa tới 300 lượt vượt biên trái phép vào Đức so với mức khoảng 700 trường hợp mỗi ngày trong khoảng thời gian 30 ngày trước khi các biện pháp kiểm soát mới được áp dụng.

Tuy nhiên, cảnh sát cũng cho rằng số trường hợp nhập cảnh trái phép vào Đức giảm một phần cũng nhờ các biện pháp kiểm soát biên giới mới của Serbia tại biên giới của nước này với Hungary vì nhiều người vượt biên trái phép đã chọn con đường vào EU này để tới Đức.

Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, gần 234.000 người đã nộp đơn xin tị nạn ở Đức lần đầu, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều thành phố ở Đức cho biết họ đã đạt đến giới hạn về nguồn lực như chỗ ở, chăm sóc và hòa nhập cho người tị nạn, đặc biệt khi nước này hiện đang tiếp đón hơn một triệu người tị nạn từ Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2-2022.

Tình trạng di cư vào châu Âu vốn dĩ là bài toán khó đối với nhiều quốc gia châu lục này, tuy nhiên vấn đề càng khó hơn khi thiếu sự đồng bộ trong phân bổ hạn mức tiếp nhận người di cư của EU. Vấn đề này sẽ trở nên nan giải khi chưa tìm được tiếng nói chung.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>