Ukraine quyết tâm gia nhập EU

10/11/2022 | 09:54 GMT+7

Giao tranh với Nga ngày càng diễn ra ác liệt khiến Ukraine muốn nhanh chóng gia nhập EU để tìm “phao cứu sinh”. 

Ukraine thông báo ý định gia nhập EU vào năm 2024.  Nguồn: GETTY IMAGES

Ukraine đặt mục tiêu hoàn tất quá trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm 2024 và nếu đạt được, đây sẽ là tiến trình gia nhập nhanh nhất trong lịch sử. Trả lời phỏng vấn tờ Welt của Đức, Phó Thủ tướng Ukraine, bà Olga Stefanishyna cho biết: “Chúng tôi quyết tâm hoàn thành quá trình gia nhập EU vào cuối năm 2024”. Nếu Ukraine đạt được mục tiêu nêu trên, thì đây sẽ là tiến trình gia nhập nhanh nhất trong lịch sử, bởi quá trình này trước đó thường mất trung bình khoảng 9 năm.

Tuy nhiên, tờ Welt cũng tiết lộ, EU “nhìn nhận vấn đề theo cách khác”. Ủy viên châu Âu phụ trách Khu vực lân cận và mở rộng Oliver Varhelyi lưu ý “không phải tất cả 7 cải cách đều có thể thực hiện một cách nhanh chóng” mà là chưa thể thống nhất về thời điểm khởi động đàm phán. Theo vị quan chức này, toàn bộ quá trình chuẩn bị cho việc gia nhập có thể mất hơn 1 hoặc 2 năm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28-2 đã gửi đơn xin gia nhập EU. Tại Hội nghị thượng đỉnh sau đó tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua quyết định cấp cho Ukraine và Moldova tư cách ứng viên gia nhập liên minh. Để bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập khối. Các quốc gia ứng viên cần đáp ứng một loạt điều kiện của EU, trong đó có nhiều chương trình cải cách.

Trong một diễn biến liên quan, Nga cho rằng EU “tan rã trước khi kết nạp Ukraine”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng quá trình Ukraine gia nhập EU mất nhiều thời gian đến mức khối này sẽ tan rã trước khi kết nạp Kiev.

Tuyên bố được bà Zakharova đưa ra sau khi Bộ trưởng Pháp Clement Beaune, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, thông báo các thành viên đã “đồng thuận hoàn toàn” về việc Ukraine trở thành ứng viên gia nhập liên minh.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev từng dự đoán Ukraine có thể gia nhập EU vào những năm 2050 và “khối này có thể đã tan rã từ trước đó”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng lên tiếng ông không phản đối Ukraine gia nhập EU vì đây không phải liên minh quân sự giống Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nếu Ukraine tiếp tục ý định gia nhập EU, nước này sẽ “biến thành bán thuộc địa” của phương Tây.

Quan điểm của Nga hoàn toàn đối lập với Ukraine và EU đã ẩn chứa quyết tâm của Matxcơva không để cho Kiev ngã về phía EU, đặc biệt là gia nhập NATO. Điều này đồng nghĩa với một tuyên chiến “ngầm” đã và đang diễn ra trong lòng Nga.

Sở dĩ Ukraine quyết tâm gia nhập EU vì nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Trước đó, đảo Crimea (thuộc Ukraine) đã xin gia nhập vào Nga và được Matxcơva đồng thuận sáp nhập vào tháng 3 năm 2014. Gần đây, Tổng thống Vladimir Putin ngày 5-10 ký ban hành luật và hoàn tất quá trình sáp nhập 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson ở miền Nam và miền Đông Ukraine vào Nga. Động thái diễn ra sau khi các khu vực này tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập Nga. Theo kết quả trưng cầu được chính quyền 4 khu vực công bố, đa số cử tri đồng ý sáp nhập vào Nga.

Động thái này đã khiến Liên Hiệp Quốc cùng nhiều nước phương Tây lên tiếng chỉ trích Nga và áp thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Matxcơva. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ không đàm phán với Nga nếu Tổng thống Putin còn nắm quyền.

Mặt khác, giao tranh giữa Nga và Ukraine ngày càng diễn ra ác liệt hơn gây ra nhiều thương vong mà lợi thế đang nghiêng về Nga. Do vậy ngoài kêu gọi Mỹ, EU và các quốc gia liên quan hỗ trợ vũ khí để đối phó Nga, Kiev còn mong muốn đẩy nhanh tiến trình gia nhập EU. Đây được xem là “phao cứu sinh” để Ukraine đối phó Nga và tìm giải pháp khôi phục đất nước đã và đang bị tàn phá nặng nề từ cuộc chiến ngoài mong muốn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>