Triều Tiên phản ứng quyết liệt tập trận Mỹ – Hàn

22/02/2023 | 09:46 GMT+7

Khác hơn những lần phóng tên lửa đạn đạo trước đây, lần này Triều Tiên đã kiên quyết và mạnh dạn hơn khi cảnh báo sẽ đáp trả Mỹ - Hàn nếu xâm phạm chủ quyền.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên được phóng thử tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng ngày 18-2-2023. Ảnh: KCNA

Theo đó, sau khi phóng tên lửa đạn đạo, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã mạnh dạn xác nhận nước này đã phóng thử tên lửa từ hệ thống phóng tên lửa đa năng, nhằm vào các mục tiêu cách đó lần lượt 395km và 337km. Vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên lần này nhằm phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vừa diễn ra.

Bà Kim Yo Jong, Phó trưởng Ban Tuyên truyền và Thông tin của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, nhấn mạnh Triều Tiên “sẽ có hành động đáp trả tương ứng” nếu các hành động của Mỹ “được coi là mối đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp đến nước này”. Bình Nhưỡng cũng nêu rõ: “Tần suất sử dụng Thái Bình Dương làm trường bắn của chúng tôi phụ thuộc vào Mỹ”.

Bà Yo Jong cũng bác bỏ đánh giá của các chuyên gia nước ngoài về khả năng tên lửa Triều Tiên, sau khi một số ý kiến chỉ ra rằng phải mất hơn 9 giờ để vụ phóng tên lửa “đột ngột” diễn ra theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim. Bà cho biết, Hàn Quốc thậm chí còn không kịp điều máy bay trinh sát đến hiện trường vào thời điểm xảy ra vụ phóng.

Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đều xác nhận, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo vào rạng sáng 20-2 theo giờ Việt Nam, đạt độ cao tối đa khoảng 100km và 50km và bay xa khoảng 350-400km trước khi rơi ở ngoài khu vực đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Hiện không có báo cáo về thiệt hại đối với máy bay hoặc tàu bè.

Vụ phóng tên lửa lần này là vụ thử vũ khí lớn thứ ba của Triều Tiên trong năm nay. Trước đó, Triều Tiên đe dọa sẽ có “những phản ứng mạnh mẽ, liên tục và chưa từng có” nếu Hàn Quốc và Mỹ thực hiện các cuộc tập trận quân sự chung, đồng thời cáo buộc hai nước này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Trong một diễn biến liên quan, từ ngày 19-2, Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận không quân song phương với Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó có sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, 3 máy bay chiến đấu F-15 của Lực lượng phòng không Nhật Bản đã tham gia tập trận với 4 máy bay F-16 và 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ.

Trước đó cùng ngày, quân đội Hàn Quốc cho biết nước này và Mỹ đã tiến hành tập trận không quân chung, với sự tham gia của ít nhất một máy bay ném bom chiến lược B-1B. Trong cuộc tập trận, hai bên đã điều động tổng cộng 10 máy bay. Các máy bay này đã bay theo đội hình qua Hoàng Hải, vùng biển phía Đông và khu vực phía Nam của Hàn Quốc.

Thời gian gần đây, Triều Tiên luôn khẳng định chương trình hạt nhân là yếu tố sống còn của đất nước và không ngừng phát triển tên lửa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Năm 2003, sau khi rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng đã liên tục làm giàu urani để phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo đánh giá hồi tháng 7-2020 của Quân đội Mỹ, Triều Tiên có khoảng 20-60 quả bom hạt nhân và có thể sản xuất thêm 6 quả bom mỗi năm. Đến tháng 5-2021, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cho rằng, Bình Nhưỡng sở hữu năng lực hạt nhân “đủ sức gây ra mối đe dọa thực sự cho lục địa Mỹ cũng như đồng minh và đối tác của chúng tôi trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên đủ khả năng để tấn công bất cứ quốc gia thù địch nào nếu chủ quyền quốc gia của họ bị đe dọa.

Theo Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Mỹ, trong số hơn 110 vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, hơn 80 vụ được tiến hành kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền cuối năm 2011. 

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>