Tín hiệu dự báo lực lượng khủng bố hồi sinh

02/02/2023 | 11:50 GMT+7

Vụ đánh bom liều chết nhằm vào tín đồ Hồi giáo ở Pakistan của Taliban mới đây đã dấy lên quan ngại lực lượng khủng bố này lại hồi sinh và tái diễn những vụ giết người đẫm máu.

Lực lượng an ninh Pakistan điều tra tại hiện trường vụ nổ khu đền thờ ở Peshawar, ngày 30-1-2023. Ảnh: AFP

Theo hãng tin Reuters, mới đây một vụ đánh bom xảy ra tại một thánh đường Hồi giáo nằm ở khu vực được bảo vệ chặt chẽ khi có 400 tín đồ đang cầu nguyện. Cảnh sát Pakistan cho biết, kẻ tấn công đã vượt qua được nhiều hàng rào có lực lượng an ninh canh gác và xâm nhập vào khu phức hợp “Vùng Đỏ”, nơi có Văn phòng cảnh sát và lực lượng chống khủng bố ở Peshawar và kích nổ áo khoác chứa chất nổ tại sảnh chính khi buổi cầu nguyện chiều sắp bắt đầu. Vụ tấn công làm một bức tường và mái của thánh đường bị sập. Tính tới thời điểm này, vụ tấn công đã làm ít nhất 83 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương. Số liệu này sẽ còn tăng lên bởi vì hiện vẫn còn nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Thủ tướng Pakistan Shebaz Sharif cho rằng vụ nổ tại đền thờ ở thành phố Peshawar, miền Tây Bắc Pakistan, là một vụ tấn công liều chết. Trong một tuyên bố, ông Sharif nhấn mạnh: “Những kẻ khủng bố muốn gây ra nỗi sợ hãi bằng cách nhắm mục tiêu vào những người thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Pakistan”, đồng thời khẳng định những đối tượng này sẽ bị tiêu diệt.

Sau vụ đánh bom trên, Sarbakaf Mohmand, một chỉ huy của Lực lượng Taliban tại Pakistan (TTP) đã nhận trách nhiệm và cho biết, vụ tấn công được thực hiện để trả thù cho những chiến binh bị giết ở Afghanistan vào năm ngoái. Tuy nhiên, vài giờ sau, một phát ngôn viên của nhóm này lại tuyên bố, TTP không liên quan tới vụ đánh bom và chính sách của họ không nhằm vào các thánh đường Hồi giáo và các địa điểm tôn giáo. Phát ngôn viên này không đề cập tới tuyên bố nhận trách nhiệm trước đó.

TTP là thực thể độc lập với lực lượng Taliban ở Afghanistan, nhưng có chung hệ tư tưởng. Họ từng kiểm soát nhiều khu vực ở biên giới Pakistan - Afghanistan và áp đặt luật Hồi giáo tại khu vực này. Các tay súng TTP bị đẩy khỏi Pakistan sang nước láng giềng Afghanistan từ năm 2010, nhưng đang dần xuất hiện trở lại sau khi Taliban giành lại quyền lực hồi tháng 8-2021.

Hồi tháng 11-2022, tổ chức này tuyên bố hủy lệnh ngừng bắn với Chính phủ Pakistan và ra lệnh cho các tay súng mở các cuộc tấn công trên khắp lãnh thổ. Trong vài tháng gần đây, TTP đã nhận trách nhiệm với hơn một chục vụ tấn công, chủ yếu nhằm vào cảnh sát và quân đội ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, giáp với biên giới Afghanistan.

Vụ đánh bom liều chết trên đã làm cho cộng đồng quốc tế quan ngại và lên án. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã lên án mạnh mẽ vụ đánh bom liều chết trên, đồng thời tái khẳng định sự đoàn kết của LHQ với chính phủ và người dân Pakistan trong nỗ lực đối phó với chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Trong khi đó, người phát ngôn của Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Csaba Korosi đã lên án vụ tấn công trên tại Peshawar, cho rằng nhắm mục tiêu vào những người đang cầu nguyện là hành động “thực sự tàn nhẫn và hèn nhát”.

Sau vụ nổ trên, các địa phương tại Pakistan được đặt trong tình trạng báo động cao, theo đó tăng cường các trạm kiểm soát, triển khai bổ sung lực lượng an ninh. Tại thủ đô Islamabad, các tay súng bắn tỉa được triển khai trên các tòa nhà và các lối ra vào thành phố.

Còn nhớ, hồi năm 2014  thành phố Peshawar cũng là nơi xảy ra thảm sát khiến 150 người thiệt mạng khi TTP tấn công một trường học dành cho con em các binh sĩ quân đội Pakistan, hầu hết các nạn nhân thiệt mạng là học sinh.

Giới quan sát cho rằng, vụ đánh bom liều chết gần đây là tín hiệu xấu dự báo lực lượng khủng bố TTP đã trỗi dậy ở cả Pakistan và Afghanistan. Hệ lụy của nó sẽ là những vụ khủng bố đẫm máu gây hoang mang cho người dân vô tội. Do vậy các quốc gia liên quan cần sớm có giải pháp tiêu diệt khủng bố để giữ bình yên cho người dân.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>