Tìm cách hạ nhiệt căng thẳng ở Ukraine

22/02/2022 | 10:23 GMT+7

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nghiêm trọng nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua. Một trong những lối thoát khả thi cho căng thẳng này không gì khác hơn chính là con đường ngoại giao.

Xung đột ở miền Đông Ukraine đang leo thang. Ảnh: AP

Theo Văn phòng của Tổng thống Pháp, trong một tuyên bố, ông Macron đã thuyết trình với cả hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ về một hội nghị thượng đỉnh liên quan đến “sự ổn định an ninh và chiến lược ở châu Âu”.

Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng, Tổng thống Biden đã đồng ý về nguyên tắc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh về Ukraine nhưng sự kiện này sẽ chỉ diễn ra “nếu việc Nga tấn công quân sự Ukraine không xảy ra”.

Nhiều chi tiết về cuộc gặp thượng đỉnh đã được đề xuất nhưng chỉ được công bố rất hạn chế sau một loạt cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Macron, Tổng thống Mỹ Biden, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Ukraine Zelenskiy và Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Văn phòng của Tổng thống Pháp Macron và Nhà Trắng cho biết, nội dung của hội nghị thượng đỉnh sẽ được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thảo luận trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 24-2 tới. Vai trò của Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh (nếu có) cũng chưa được xác định rõ.

Đề xuất về hội nghị thượng đỉnh Ukraine của Tổng thống Macron được đưa ra một tuần sau khi căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng do Matxcơva tăng cường hoạt động quân sự ở khu vực biên giới giáp với Kiev. Các lực lượng quân đội Nga đã tập trung xung quanh nước láng giềng kể từ cuối năm 2021, điều mà các nước phương Tây cho là màn dạo đầu cho hành động tấn công quân sự Ukraine có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào.

Nga phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến kế hoạch tấn công Ukraine nói trên. Và tình hình thêm căng thẳng khi Bộ Quốc phòng Belarus thông báo, Nga sẽ mở rộng các cuộc tập trận quân sự ở Belarus.

Trước đó, trong cuộc điện đàm hôm 20-2 do Paris yêu cầu, hai nhà lãnh đạo Nga - Pháp đã đồng ý tiếp tục làm việc trong khuôn khổ định dạng Normandy, bao gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine; đồng thời quyết định rằng, một cuộc họp của nhóm liên lạc ba bên sẽ được tổ chức “trong vài giờ tới” để “có được cam kết từ tất cả các bên liên quan” về việc ngừng bắn.

Ngay sau cuộc trò chuyện với Tổng thống Putin, ông Macron đã thảo luận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Theo Văn phòng Tổng thống Pháp, ông Volodymyr Zelensky đã “khẳng định cam kết không phản ứng trước các hành động khiêu khích và tôn trọng lệnh ngừng bắn”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông muốn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận với nhà lãnh đạo Nga nhằm tránh nguy cơ nổ ra xung đột. Tổng thống Zelensky cho biết, ông đề xuất cuộc gặp này và nhấn mạnh, Kiev mong muốn một giải pháp ngoại giao thay vì xung đột quân sự cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Ukraine kêu gọi sự ủng hộ của các nước nhiều hơn nữa đối với Ukraine.

Ông cũng bác bỏ hành động pháo kích từ Ukraine vào lãnh thổ Nga và kêu gọi NATO đặt ra một khung thời gian rõ ràng để Ukraine có thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhấn mạnh NATO nên “thành thật” về việc liệu Ukraine có thể trở thành thành viên tổ chức này hay không.

Trước đó, tại cuộc gặp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Munich, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, Ukraine đang tìm kiếm “hòa bình”, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ cụ thể của Mỹ để tăng cường sức mạnh của quân đội nước này.

Về phía Nga, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian vào ngày 19-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh, việc phương Tây phớt lờ các yêu cầu an ninh của Matxcơva không có lợi cho sự ổn định ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>