Thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine: Khó thành hiện thực

24/03/2023 | 10:20 GMT+7

Mặc dù đã đạt thỏa thuận xoa dịu căng thẳng nhưng quan hệ giữa Israel và Palestine vẫn còn lắm chông chênh.

Người biểu tình Palestine đụng độ với quân đội Israel tại Jenin, phía Bắc Bờ Tây, ngày 7-3-2023. Ảnh: THX

Mới đây, tại hội nghị tại Sharm El Sheikh (Ai Cập) có sự hiện diện của các quan chức chính trị và an ninh cấp cao đại diện cho Ai Cập, Jordan, Mỹ, Israel và Palestine đạt thỏa thuận xoa dịu căng thẳng giữa hai nước.

Theo tuyên bố chung, các bên đã nhất trí về 8 nội dung, nhằm giảm leo thang căng thẳng và xây dựng lòng tin giữa Palestine và Israel. Ngoài ra, Chính phủ Israel và chính quyền Palestine cũng tái khẳng định cam kết hành động ngay lập tức để chấm dứt các biện pháp đơn phương trong khoảng thời gian 3-6 tháng. Phía Israel cam kết ngừng thảo luận về mọi đơn vị định cư mới trong 4 tháng và ngừng cấp phép cho bất kỳ khu định cư nào trong 6 tháng.

Israel và Palestine cũng đã tái khẳng định cam kết vững chắc đối với tất cả các thỏa thuận trước đó giữa hai bên, đặc biệt là quyền hợp pháp của chính quyền Palestine thực hiện các trách nhiệm an ninh trong Khu vực A ở Bờ Tây, phù hợp với những thỏa thuận hiện hành.

Hai bên đã nhất trí “giải quyết các vấn đề gai góc thông qua đối thoại trực tiếp” và “thiết lập một cơ chế để kiềm chế và chống lại bạo lực cùng những tuyên bố kích động bạo lực”. Cơ chế này sẽ được báo cáo lên lãnh đạo Nhóm 5, gồm Ai Cập, Palestine, Israel, Jordan và Mỹ vào tháng 4-2023 tại phiên họp tiếp sau hội nghị Sharm El Sheikh.

Các bên tham gia hội nghị Sharm El Sheikh cũng thống nhất “giữ nguyên hiện trạng lịch sử của các thánh địa ở Jerusalem” và tổ chức nhiều cuộc họp hơn trong tương lai để hỗ trợ cho “quá trình bình ổn” giữa Palestine và Israel.

Trong một động thái mới nhất, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Israel Isaac Herzog đã bày tỏ hy vọng hòa bình và ổn định sẽ hiện diện ở các vùng lãnh thổ Palestine sau cuộc điện đàm nhân dịp tháng lễ Ramadan. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế thiếu bền vững vì nhiều lý do mang tính lịch sử.

Xung đột giữa phía Israel và Palestine đã kéo dài nhiều thập kỷ qua gây ra nhiều thương vong. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, xung đột giữa Israel và Palestine đã cướp đi sinh mạng của 86 người Palestine, bao gồm cả các chiến binh và thường dân.

Trước khi diễn ra cuộc đàm phán trên, Phong trào Hồi giáo Hamas, hiện kiểm soát Dải Gaza của Palestine, thông báo họ “từ chối hội nghị Sharm al-Sheikh và các hội nghị khác nhằm chấm dứt bạo lực”.

Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Hussein al-Sheikh cho biết, phái đoàn nước này sẽ tham gia để yêu cầu phía Israel chấm dứt hành động gây hấn liên tiếp chống lại tổ chức này. Còn ông Mussa Abu Marzouk, một thành viên cấp cao của Hamas, tuyên bố: “Lựa chọn của chúng tôi... là leo thang phản kháng để chống lại sự chiếm đóng”.

Trong khi hội nghị Sharm El Sheikh đã đạt được kết quả bước đầu khả quan, thì đêm 18-3, một quả tên lửa lại bắn từ Gaza vào lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, do quả tên lửa rơi vào khu vực không có người ở nên hệ thống phòng không Israel đã không kích hoạt để đánh chặn.

Vụ việc xảy ra chỉ 2 ngày sau khi 2 chỉ huy của Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PJI) và Hamas tại Jenin bị các lực lượng an ninh Israel bắn thiệt mạng. Điều này đồng nghĩa xung đột, giao tranh sẽ còn xảy ra tại khu vực Bờ Tây này.

Từ những diễn biến trên cho thấy, cho dù có đạt được thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng nhưng quan hệ giữa Israel và Palestine khó tìm được sự đồng thuận lâu dài vì còn quá nhiều bất đồng cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>