Taliban loay hoay vật lộn với khó khăn

26/11/2021 | 08:12 GMT+7

Mặc dù lên nắm quyền hơn 100 ngày nhưng Taliban vẫn loay hoay vật lộn với nhiều vấn đề cấp thiết cả trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm sự công nhận quốc tế.

Sau 100 ngày cầm quyền đầu tiên, Taliban vẫn loay hoay tìm sự công nhận quốc tế. Ảnh: Economic Times

Hơn 3 tháng qua, sự tồn tại của Tiểu vương quốc Hồi giáo (tên gọi của Nhà nước do Taliban thành lập ở Afghanistan) diễn ra không hề êm đẹp. Trong nước, tình hình an ninh liên tục xáo trộn, bất an với mối đe dọa khủng bố do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (IS-K) tạo ra. Các dấu hiệu cho thấy IS đang ngày càng mở rộng hoạt động ra hầu hết các địa phương trên khắp Afghanistan, thách thức khả năng điều hành an ninh của Taliban trong thời gian tới.

Trong khi đó, người dân Afghanistan phải đối mặt nạn đói, thiếu thốn thuốc men, vật tư y tế và hệ thống phúc lợi xã hội gần như đã sụp đổ sau quãng thời gian mất mùa, hạn hán, cùng cuộc nội chiến kéo dài… nên rất cần cứu trợ nhân đạo.

Hiện nguồn lực duy nhất mà Taliban có thể hy vọng để vực dậy nền kinh tế và đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng nhân đạo là hơn 9 tỉ USD tài sản gửi ở nước ngoài. Tuy nhiên, khối tài sản thuộc sở hữu của Ngân hàng Trung ương Afghanistan đã bị Mỹ phong tỏa kể từ khi Taliban kiểm soát đất nước. Các khoản vay và viện trợ nhân đạo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho Afghanistan cũng đã bị đóng băng kể từ thời điểm đó. Chính vì thế, nỗ lực đáng kể nhất của chính quyền Taliban là việc thúc đẩy đối thoại với thế giới bên ngoài, tìm kiếm khả năng được quốc tế công nhận.

Suốt thời gian qua, các quan chức ngoại giao của Taliban đã tích cực tiếp cận và thuyết phục các quốc gia trong khu vực. Mục tiêu là tìm kiếm khả năng đối thoại và xây dựng hình ảnh với thế giới bên ngoài.

Ở chiều ngược lại, đại diện của ít nhất 6 quốc gia cũng đã tới Kabul để trực tiếp làm việc với Chính phủ do Hebatullah Akhundzada, lãnh đạo Tối cao của Taliban đứng đầu. Đến nay đã có 6 hội nghị ở quy mô khu vực và quốc tế bàn về tương lai của Afghanistan được tổ chức. Iran, Pakistan, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc đều đã đứng ra chủ trì các cuộc họp bàn về tình hình và khả năng giúp đỡ người dân tại đây. Các nhà lãnh đạo G20 cũng như Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng quan tâm, thảo luận các vấn đề ở Afghanistan trong nhiều phiên họp khác nhau.

Tuy nhiên, các hội nghị quốc tế chỉ tập trung và nhấn mạnh chủ yếu vào các chủ đề khác như việc thành lập chính phủ bao trùm, nhân quyền, tự do biểu đạt, quyền giáo dục và vấn đề việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan, cũng như làm sao để Afghanistan không trở thành nơi nuôi dưỡng khủng bố và nổi loạn.

Cựu cố vấn của Bộ Ngoại giao Afghanistan Fakhruddin Qarizada cho rằng: “Cộng đồng quốc tế vẫn đang chờ đợi xem liệu Taliban có thực hiện các cam kết mà họ đã hứa trước đó hay không”. Chừng nào Taliban chưa cho thấy được quyết tâm và sự tin cậy giữa nói và hành động của mình, rất khó để chính quyền do họ lập nên có thể thiết lập được mối quan hệ, hay ít nhất là sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Nếu chưa mở được nút thắt này, đất nước Afghanistan chắc chắn sẽ không thể đón nhận được các nguồn lực của thế giới để ngăn chặn thảm họa nhân đạo, khôi phục lại nền kinh tế, giải quyết những hậu quả của thiên tai và chiến tranh tàn phá suốt 2 thập kỷ qua.

Trong một động thái liên quan, Taliban rất kỳ vọng sẽ tháo được nút thắt khó khăn từ các cuộc đàm phán với Mỹ ở thủ đô Doha của Qatar vào tuần tới, trong đó có việc giải phóng tài sản bị Mỹ phong tỏa. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, rất khó để Taliban đạt được mong muốn bởi giữa hai bên còn quá nhiều bất đồng, trong khi cuộc chơi này phía Washington đang nằm kèo trên.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>