Taliban loay hoay tìm cách nhận được tài sản bị đóng băng

14/01/2022 | 07:06 GMT+7

Taliban vẫn loay hoay tìm đường để nhận lại tài sản đang bị đóng băng để kiến thiết lại đất nước Afghanistan, tuy nhiên bài toán khó này vẫn chưa có lời giải.

Nhiều người dân Afghanistan đang đối mặt với cảnh đói nghèo nghiêm trọng. Ảnh: AP

Sau khi Taliban giành được quyền kiểm soát đất nước Afghanistan ngày 15-8, Mỹ đã đóng băng khối tài sản trị giá gần 10 tỉ USD của nước này đang gửi trong các ngân hàng quốc tế. Đồng thời, Mỹ cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền do Taliban dựng lên. Cùng thời gian này, việc các khoản viện trợ nước ngoài cho Afghanistan bị đình chỉ đã làm tê liệt hệ thống kinh tế vốn đã mỏng manh của quốc gia Nam Á này, tác động trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người dân.

Người đứng đầu Cao ủy Liên Hiệp Quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi vừa khẳng định, chỉ khi nào Taliban hoàn thành các lời hứa đưa ra trước đó, lực lượng này mới nhận được các khoản tài chính đang bị đóng băng ở nước ngoài.

Trả lời Washington Post, UNHCR khẳng định, phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan phải được tới trường, còn các nhóm thiểu số phải được có đại diện trong chính quyền. Quan chức LHQ này cũng cho rằng việc duy trì đối thoại với chính quyền Taliban là rất quan trọng. Điều này giúp đảm bảo cho đất nước Afghanistan “có thể tồn tại và phát triển”.

Ông Filippo Grandi cho biết thêm: “Cách để đảm bảo Afghanistan có thể tồn tại, là đất nước đó có thể hỗ trợ, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Tôi nghĩ điều này chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại giữa cộng đồng quốc tế và Taliban”.

Trong khi người dân Afghanistan phải đối mặt với muôn vàn khó khăn từ nghèo đói, bệnh tật và sự hà khắc của Taliban thì mới đây họ phải gánh chịu thêm thiên tai dịch Covid-19 hoành hành. Chính quyền do Taliban điều hành vừa ban bố tình trạng khẩn cấp tại Afghanistan do tuyết rơi nhiều và mưa lớn tiếp tục diễn ra tại quốc gia Nam Á này. Theo đó, 32 trong số 34 tỉnh của Afghanistan đang phải hứng chịu mưa và tuyết rơi liên tục nhiều ngày qua, khiến các tuyến đường bị chia cắt, gián đoạn lưu thông. Mưa lớn kéo dài cũng khiến lũ xuất hiện tại nhiều tỉnh. Bộ Công trình Công cộng đang cùng các nhà thầu tư nhân và Cơ quan quản lý thảm họa tiến hành sửa chữa, san ủi tuyết nhằm nối thông các tuyến đường.

Kể từ khi Taliban kiểm soát Afghanistan, nước này đã rơi vào cảnh hỗn loạn và đói nghèo. Các chuyên gia nhận định rằng, tình trạng này có thể sẽ tiếp diễn vào năm 2022 và những năm tới nếu Afghanistan không nhận được viện trợ từ cộng đồng quốc tế.

Nền kinh tế của đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh đang suy sụp và nhiều người Afghanistan rơi vào cảnh chết đói. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không muốn ủng hộ Taliban, lực lượng cầm quyền mới ở Afghanistan, bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính cho chính phủ Taliban.

Vào tháng 11, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cảnh báo nạn đói tại Afghanistan đang gia tăng và việc cung cấp viện trợ bị đình trệ đang tạo ta một “cuộc khủng hoảng” ở quốc gia Nam Á này. Theo đó, khoảng 50% dân số đất nước, 23 triệu người cần viện trợ và Afghanistan đang lâm vào một cuộc khủng hoảng đói nghèo. Trong khi đó, đất nước này lại bị thiên tai liên tục khiến người dân mất 40% thu hoạch trong năm 2021. Người dân đã phải bán mọi thứ, kể cả con cái, để lấy tiền.

Chế độ hà khắc của Taliban đã làm cho người dân mất đi mọi quyền kể cả quyền con người. Mặt khác, lực lượng khủng bố được cho là do Taliban đang nuôi dưỡng cũng đang lớn mạnh từng ngày ở Afghanistan làm nhiều quốc gia liên quan lo lắng. Chính những yếu tố này đã làm cho quốc tế chưa thể công nhận chính quyền Taliban. Từ đó mọi tài sản bị phong tỏa ở nước ngoài của chính quyền Taliban vẫn chưa thể được tháo gỡ. Điều này sẽ làm cho Afghanistan đã khó nay lại càng khổ hơn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>