Sau đảo chính, Niger rơi vào hỗn loạn

03/08/2023 | 07:45 GMT+7

Dù đã hơn 1 tuần xảy ra đảo chính ở Niger nhưng tình hình an ninh trật tự tại đây vẫn căng thẳng từng ngày.

Lực lượng an ninh Niger giải tán những người biểu tình ủng hộ đảo chính tập trung bên ngoài Đại sứ quán Pháp.  Nguồn: REUTERS 

Cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền Tổng thống Mohamed Bazoum xảy ra hôm 26-7 đã khiến quốc gia châu Phi này rơi vào khủng hoảng. Theo đó, các binh sĩ ở Niger đã lật đổ Tổng thống Bazoum và giam giữ ông trong Dinh Tổng thống, đồng thời đóng cửa biên giới và ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc.

Sau đó, ngày 28-7, Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Cận vệ của Tổng thống từ năm 2011, đã tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi trong giai đoạn chuyển tiếp và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.

Bầu không khí hoảng loạn càng tăng lên sau khi chính quyền quân sự do phe đảo chính lập ra, thẳng thừng bác bỏ tối hậu thư do Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đưa ra hôm 30-7, trong đó yêu cầu phe đảo chính trong vòng 1 tuần phải từ bỏ quyền lực và khôi phục trật tự Hiến pháp cùng quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum.

Cục diện càng trở nên phức tạp hơn khi một loạt quốc gia trong khu vực tuyên bố ủng hộ chính quyền của phe đảo chính tại Niger. Trong đó, Mali và Burkina Faso ra tuyên bố chung nêu rõ quan điểm coi mọi hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Niger là sự tuyên chiến với hai quốc gia này. Tương tự, Guinea cũng ra tuyên bố phản đối các biện pháp trừng phạt quốc tế chống Niger, bao gồm việc đe dọa sử dụng biện pháp quân sự.

Trước nguy cơ bất ổn gia tăng tại Niger, nhiều quốc gia đã khuyến cáo công dân rời khỏi nước này. Bộ Ngoại giao Pháp Catherine Colonna thông báo bắt đầu thực hiện việc sơ tán hàng trăm công dân nước này và một số quốc gia châu Âu khác rời khỏi Niger từ 1-8. Tuy nhiên, Pháp hiện chưa có kế hoạch rút 1.500 binh sĩ đang đồn trú tại Niger.

Trước đó, Tây Ban Nha và Italia thông báo đang chuẩn bị các chuyến bay đưa công dân về nước. Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani cho biết, chính phủ sẽ sắp xếp một chuyến bay đặc biệt để sơ tán các công dân khỏi thủ đô Niamey của Niger. Theo ông Tajani, hiện có chưa đến 100 người Italia ở Niger và họ “không gặp nguy hiểm”.

Trong một động thái liên quan, Mỹ đã đình chỉ các hoạt động huấn luyện chống khủng bố với các binh sĩ ở Niger sau vụ đảo chính vừa qua. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Ryder cho biết, hợp tác an ninh giữa Mỹ và Niger hiện đã bị đình chỉ, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với các đối tác quân sự của mình ở Niger. Đồng thời, Washington cũng không có kế hoạch rút khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Niger.

Mỹ hiện có hai căn cứ máy bay không người lái và hàng trăm binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt ở Niger nhằm kiểm soát các nhóm khủng bố trong khu vực bao gồm chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở châu Phi và Boko Haram.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cho biết chưa có kế hoạch sơ tán công dân chính thức. Tuy nhiên, những người này có thể hồi hương nếu có nhu cầu. Ủy ban châu Âu (EC) cũng xác nhận chưa có nguy cơ trong hoạt động sản xuất điện hạt nhân tại châu Âu trong trường hợp Niger hạn chế xuất khẩu nguyên liệu urani.

Những phản ứng trái chiều của các bên đối lập và một số quốc gia liên quan sau vụ đảo chính ở Niger đã khiến tình hình hỗn loạn tại quốc gia châu Phi này thêm gia tăng, khó tìm được giải pháp hòa bình.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>