Quan hệ Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng vì cáo buộc tấn công mạng

22/07/2021 | 07:51 GMT+7

Cáo buộc tấn công mạng có liên quan đến an ninh quốc gia lẫn nhau đã làm cho quan hệ Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng.

Những lo ngại về bảo mật dữ liệu là điều dễ hiểu trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt. Nguồn: AFCEA

Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, 4 công dân Trung Quốc đã bị buộc tội tấn công hệ thống máy tính của hàng chục công ty, trường đại học và cơ quan chính phủ ở Mỹ và nước ngoài từ năm 2011 đến 2018. Tuyên bố của Bộ Tư pháp cho biết, chiến dịch tấn công mạng nhắm vào các bí mật thương mại trong nhiều ngành mũi nhọn, bao gồm hàng không, quốc phòng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm sinh học và hàng hải... ảnh hưởng đến ít nhất 30.000 tổ chức của Mỹ.

Mặc dù không đưa ra các biện pháp trừng phạt giống như đã làm với Nga trong cáo buộc tương tự hồi tháng 4 vừa qua, nhưng Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, không loại trừ có những biện pháp mạnh tay nhằm vào Trung Quốc trong thời gian tới. Bà Psaki khẳng định: “Chúng tôi sẽ không nương tay và chúng tôi cũng không loại trừ có các hành động nhằm đáp trả vào các vụ tấn công mạng của Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi phải chấm dứt các hành động tấn công mạng độc hại này”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc (MSS) đã nuôi dưỡng một hệ sinh thái gồm những tin tặc thực hiện các hoạt động do nhà nước tài trợ và tội phạm mạng vì lợi ích tài chính riêng. Theo Ngoại trưởng Blinken, đây là hành vi vô trách nhiệm, gây rối và gây mất ổn định trong không gian mạng và là mối đe dọa lớn đối với kinh tế và an ninh quốc gia của nhiều quốc gia trên thế giới.

Mỹ và các đồng minh phương Tây cáo buộc các tin tặc có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc thực hiện các vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy chủ email Microsoft Exchange. Điều này càng làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa hai bên vốn còn nhiều bất đồng.

Các đồng minh thân cận như Liên minh châu Âu, Anh, Australia, Canada, New Zealand, Nhật Bản và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đứng về phía Mỹ trong vụ việc này.

Bộ trưởng Nội vụ Australia Karen Andrews tuyên bố: “Chúng tôi nhận thức được sự nghiêm trọng khi quy kết trách nhiệm cho các quốc gia khác nhưng chúng tôi sẽ không thay đổi quan điểm của mình về chủ quyền và an ninh quốc gia. Và trong trường hợp này, cùng với các quốc gia đối tác, chúng tôi cần phải lên tiếng để giải quyết cuộc tấn công mạng độc hại này, đồng thời buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công mạng”.

Phản ứng trước các cáo buộc đứng sau vụ tấn công mạng, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ gọi những cáo buộc chống lại nước này là “vô trách nhiệm”, khẳng định Chính phủ Trung Quốc không bao giờ tham gia các vụ tấn công mạng.

Trong một phản ứng liên quan, Trung Quốc cũng tuyên bố tăng cường quy định đối với các công ty công nghệ niêm yết ở nước ngoài, giám sát thông tin mà họ gửi và nhận xuyên biên giới. Lý do chính thức được đưa ra là nhằm bảo đảm khách hàng Trung Quốc có thể an toàn trước tội phạm mạng và việc bị rò rỉ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, lý do thật sự có lẽ chính là an ninh quốc gia.

Trước đó, cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc đã phạt một số công ty internet, bao gồm cả Didi, với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền của đất nước.

Căng thẳng Mỹ - Trung vốn dĩ đã tồn tại hàng chục năm nay, tuy nhiên đỉnh điểm là cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh những năm gần đây khiến cả hai bên thiệt hại hàng nghìn tỉ USD. Mặt khác, mâu thuẫn càng thêm gia tăng khi Trung Quốc có động thái ngang ngược độc chiếm Biển Đông, với những yêu sách bất hợp lý làm ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của Mỹ và nhiều nước phương Tây. Ngoài ra còn có các vấn đề liên quan đến nguồn gốc gây ra dịch Covid-19, Hong Kong, Đài Loan...

Theo các nhà phân tích, dù chưa đưa ra các biện pháp trừng phạt nhưng những động thái của Mỹ và phương Tây có khả năng làm trầm trọng thêm những căng thẳng với Trung Quốc vào thời điểm nhạy cảm này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>