Phương Tây lớn tiếng dọa trừng phạt Nga

26/01/2022 | 07:09 GMT+7

Mỹ và NATO tiếp tục lớn tiếng dọa trừng phạt Nga liên quan đến Ukraine làm gia tăng căng thẳng đẩy cục diện ngày càng xấu hơn.

Căng thẳng Nga - Ukraine đang ở mức cao, xung đột quân sự có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Nguồn: TOPCOR.RU

Giới chức quân sự Mỹ vừa cho biết, Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc khả năng triển khai thêm binh sĩ, tàu chiến và máy bay chiến đấu cho các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước Baltic trong bối cảnh căng thẳng Nga - phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine tiếp tục có dấu hiệu leo thang.

Theo đó, giới chức quân sự Mỹ đã đề xuất một số phương án, bao gồm cả lựa chọn triển khai từ 1.000-5.000 binh sĩ đến sát biên giới với Nga trong trường hợp NATO cho là cần thiết. Dự kiến, Tổng thống Biden có thể đưa ra quyết định trong tuần này. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục khẳng định nước này hiện vẫn ưu tiên tìm kiếm các giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong khi đó, NATO cảnh báo sẽ gửi thêm tàu và máy bay chiến đấu để triển khai ở Đông Âu nhằm tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của đồng minh khi Nga tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự của mình ở Ukraine và xung quanh nước này. Tuyên bố của NATO về việc cử lực lượng bổ sung đến Đông Âu làm cho căng thẳng Nga -NATO càng thêm “nóng” hơn.

Trong một diễn biến liên quan, Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu có ý đồ tấn công Ukraine và thiết lập một chính phủ bù nhìn. Đồng thời ông Raab khẳng định, một loạt các hạn chế kinh tế và tài chính sẽ được áp dụng đối với Matxcơva. Ngoài ra, ông Raab nói rằng sẽ không loại trừ một số biện pháp trừng phạt đối với dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Anh cho rằng việc đưa quân đội Anh tới Ukraine trong trường hợp Nga tấn công là một kịch bản rất khó xảy ra.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Anh cho biết họ có thông tin Matxcơva có kế hoạch đưa một chính phủ thân Nga, được cho là có thể do cựu nghị sĩ Yevhen Muraev đứng đầu, lên nắm quyền ở Ukraine.

Đáp lại, Bộ ngoại giao Nga kêu gọi Anh ngừng các hành động khiêu khích. Bên cạnh đó, ông Muraev khẳng định những cáo buộc của Anh là không có căn cứ bởi ông đang chịu lệnh trừng phạt của Nga trong 3 năm và bị cấm nhập cảnh vào nước này, đồng thời tài sản của ông trong các ngân hàng Nga đã bị đóng băng.

Về phía Nga, nước này bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và NATO, đồng thời khẳng định việc triển khai quân dọc biên giới với Ukraine chỉ nhằm mục đích bảo vệ đất nước. Nga cũng cáo buộc Mỹ và phương Tây đang sử dụng Ukraine như là một công cụ để tranh giành lợi ích cho mình trong khu vực. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ những cáo buộc này là “vô căn cứ”, nói rằng Nga không gây ra mối đe dọa với bất kỳ quốc gia nào.

Tuy nhiên, ông Peskov nói rằng không loại trừ khả năng có những hành động khiêu khích nhằm biện minh cho những cáo buộc như vậy và cảnh báo rằng những nỗ lực sử dụng vũ lực quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Đông Nam Ukraine sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Về tình hình căng thẳng Nga - phương Tây, giới quan sát đã phân tích và đưa ra 10 dấu hiệu cho thấy cuộc chiến tranh lớn ở Ukraine đang cận kề. Trong đó, đáng lưu ý là Đại sứ quán Mỹ tại Kiev đã yêu cầu sơ tán nhân viên trong bối cảnh lo ngại chiến tranh bùng nổ. Mỹ đã giao cho Ukraine lô vũ khí, bao gồm cả đạn dược, với tổng trọng lượng khoảng 90 tấn.

Trong khi đó, các nước phương Tây đều khuyến cáo công dân không đến Ukraine và đưa ra tuyên bố rằng, Liên bang Nga có thể sớm bắt đầu tấn công Ukraine từ các hướng khác nhau. Anh cũng đã cử 30 quân nhân tinh nhuệ và 2.000 vũ khí chống tăng đến giúp Kiev.

Mặt khác, có thông tin cho rằng các nhân viên của Đại sứ quán Nga tại Kiev và lãnh sự quán Nga tại Ukraine cùng gia đình đã được sơ tán hoặc phải rời Ukraine trong những ngày này.

Từ những phân tích trên cho thấy Nga - Ukraine (phía sau là hậu thuẫn của Mỹ và NATO) đang đứng bên bờ vực chiến tranh.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>