Pháp đối mặt với nguy cơ bị tê liệt vì biểu tình

08/03/2023 | 09:23 GMT+7

Nước Pháp đang đứng trước nguy cơ bị tê liệt vì tổng đình công toàn quốc chống cải cách hưu trí.

Biểu tình phản đối dự luật cải cách hưu trí ở Pháp. Ảnh: LE MONDE

Tổng công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) cho biết, sẽ có khoảng 80% các chuyến tàu cao tốc và liên vùng tại Pháp bị hủy trong ngày 7-3 vì các cuộc biểu tình với quy mô lớn nhất kể từ trước đến nay đang nổ ra ở nước này nhằm phản đối dự luật cải cách hưu trí của chính phủ Pháp. Theo đó, giao thông trên toàn bộ nước Pháp, đặc biệt là tại các sân bay, bến tàu và ở các thành phố lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số cơ sở kinh tế quan trọng bị phong tỏa...

Như vậy, tại các thành phố lớn của Pháp, đặc biệt là thủ đô Paris, giao thông cũng sẽ đình trệ nghiêm trọng. Hầu hết trong số 14 tuyến đường tàu điện ngầm tại thủ đô Paris sẽ chỉ hoạt động trong vài giờ cao điểm. Các chuyến tàu từ trung tâm Paris ra các vùng ngoại ô, tỷ lệ hoạt động chỉ khoảng 25%. Toàn bộ các chuyến tàu cao tốc nối Pháp với các nước châu Âu láng giềng như Đức và Tây Ban Nha cũng sẽ không hoạt động.

Trong khi đó, nhiều lĩnh vực ngành nghề khác, các công đoàn tại Pháp cũng kêu gọi người lao động bãi công, biểu tình, thậm chí phong tỏa các cơ sở kinh tế quan trọng. Các nhóm biểu tình đã chặn các con đường dẫn đến một số nhà máy lọc dầu, trong khi nông dân nhiều địa phương phong tỏa các vòng xoay lớn tại các thành phố vừa và nhỏ.

Hiện các công đoàn lớn nhất tại Pháp ra lời kêu gọi người lao động Pháp xuống đường nhiều nhất có thể, tổ chức nhiều cuộc biểu tình, đình công nhất có thể để nước Pháp ngừng hoạt động, qua đó gây sức ép buộc chính phủ Pháp nhượng bộ trong dự luật cải cách hưu trí. Theo thống kê, tổng số người biểu tình tại Pháp trong ngày 7-3 có thể sẽ vượt quá 2 triệu người, cao hơn số lượng người biểu tình cao nhất trước đó vào ngày 30-1-2023.

Tổng thư ký Công đoàn lao động dân chủ (CFDT), tổ chức công đoàn lớn nhất tại Pháp, ông Laurent Berger khẳng định, chính phủ Pháp và đích thân Tổng thống Emmanuel Macron không thể hy vọng âm thầm thông qua dự luật cải cách hưu trí tại Quốc hội Pháp mà đã đến lúc phải lắng nghe sự phản đối của hàng triệu lao động đang biểu tình và phải đưa ra câu trả lời.

Ông Laurent Berger cho rằng: “Đây không phải là chuyện dự luật cải cách này chưa được giải thích rõ ràng, mà đây là một bất công xã hội, một sự bất bình đẳng, một sự phớt lờ thực tế lao động cụ thể và những người lao động đang bày tỏ tất cả những điều này một cách ôn hòa”.

Dự luật cải cách hưu trí được chính phủ Pháp trình lên Quốc hội Pháp tranh luận cách đây gần 1 tháng và hiện đang được xem xét tại Thượng viện, trước khi đưa trở lại bỏ phiếu tại Quốc hội. Mặc dù đa số người dân Pháp phản đối dự luật cải cách hưu trí, nhưng chính phủ Pháp vẫn hy vọng dự luật này sẽ được thông qua với đa số phiếu tại Quốc hội nhờ sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng cánh hữu “Những người Cộng hòa” (LR). Ngoài ra, chính phủ của nữ Thủ tướng Elisabeth Borne cũng không loại trừ khả năng sử dụng điều 49.3 trong Hiến pháp của nước Pháp để thông qua dự luật này mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội.

Tuy nhiên, các công đoàn cũng như hầu hết các đảng đối lập tại Pháp, đặc biệt là các đảng cánh tả, khẳng định sẽ phản đối đến cùng dự luật này và sẽ gây sức ép bằng các cuộc biểu tình, tổng đình công liên tiếp để buộc chính phủ Pháp nhượng bộ.

Chính những động thái trái chiều này sẽ làm cho các cuộc biểu tình tại Pháp không thể lắng xuống. Hệ lụy của nó đã làm cho nước Pháp đứng trước nguy cơ bị tê liệt ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự và cuộc sống người dân.

Kể từ khi dự luật cải cách hưu trí được Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne công bố từ hôm 11-1, các tầng lớp xã hội và giới chính trị Pháp đã có những phản đối rất gay gắt và liên tục xảy ra các cuộc biểu tình lớn. Hai vấn đề lớn người dân phản đối là nâng tuổi hưu từ 62 tuổi lên 64 tuổi và chính sách riêng cho các phụ nữ có con. Từ đó dẫn đến các công đoàn lao động cũng như nhiều đảng đối lập chỉ trích gay gắt, cho rằng đây là việc làm bất công nên tiến hành biểu tình.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>