Palestine kêu gọi các nước tài trợ giúp người tị nạn

27/01/2023 | 06:12 GMT+7

Khủng hoảng chính trị và tình trạng nghèo đói gia tăng làm cho dòng người tị nạn ngày càng nhiều đã khiến Palestine kêu gọi tăng thêm tài trợ để giải quyết khó khăn.

Trẻ em Palestine xếp hàng lấy nước uống tại một trại tị nạn ở Rafah, Dải Gaza. Ảnh: AFP

Mới đây, Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine tại vùng Cận Đông của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) đã kêu gọi các quốc gia tài trợ 1,6 tỉ USD sau khi người đứng đầu cơ quan này cảnh báo về những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ do chi phí leo thang và các nguồn lực giảm.

Giám đốc UNRWA Philippe Lazzarini nêu rõ: “Những thách thức liên tục trong năm qua bao gồm thiếu kinh phí, các cuộc cạnh tranh khủng hoảng toàn cầu, lạm phát, tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng, động lực địa chính trị, tình trạng nghèo đói và thất nghiệp tăng mạnh ở những người tị nạn Palestine đã đặt ra nhiều khó khăn cho UNRWA”.

UNRWA được thành lập năm 1949, có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ về giáo dục, y tế, cứu trợ cũng như hỗ trợ nhà ở và tài chính quy mô nhỏ cho hơn 5 triệu người Palestine tị nạn ở Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem, cũng như ở Jordan, Lebanon và Syria. Cơ quan hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ tự nguyện đóng góp. Tuy nhiên, ngân sách của UNRWA liên tục thiếu hụt nên gặp khó trong hỗ trợ người tị nạn. Chỉ tính riêng năm 2022, khoảng ngân sách này thiếu hụt khoảng 100 triệu USD.

Hồi tháng 11-2022, Giám đốc UNRWA Philippe Lazzarini cho biết những khó khăn về tài chính có thể khiến cơ quan này không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đến tháng 12-2022, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã gia hạn nhiệm vụ của UNRWA thêm 3 năm nữa, nhưng vấn đề kinh phí vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Trong một động thái liên quan, trước đó tại cuộc họp của Ủy ban Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa (Ủy ban 4), Đại hội đồng LHQ khóa 77, Việt Nam đã kêu gọi các nước và các nhà tài trợ duy trì và tăng cường hỗ trợ tài chính cho UNRWA nhằm góp phần ổn định tình hình tại khu vực này.

Đại diện Việt Nam cũng khẳng định việc hỗ trợ người tị nạn không thể coi là biện pháp thay thế cho việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Israel - Palestine, trong đó quan trọng nhất là phải bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người Palestine thông qua việc thành lập một Nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem, chung sống hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel, với các đường biên giới được quốc tế công nhận, trên cơ sở các đường ranh giới trước năm 1967 và các nghị quyết có liên quan của Liên Hiệp Quốc.

Theo UNRWA, số người thiệt mạng do bạo lực tại đây trong năm 2022 đã tăng cao kỷ lục trong 17 năm qua. Gần 50% số học sinh đang học tại các trường học của UNRWA bị tổn thương tâm lý. Gần như toàn bộ người tị nạn Palestine hiện phải sống nhờ trợ cấp của UNRWA. Khoảng 80% số người tị nạn Palestine sống dưới mức nghèo.

Nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng trên là do xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Israel và Palestine. Giao tranh liên tục xảy ra đã khiến hàng chục ngàn người thương vong. Mặc dù LHQ đã can thiệp và ra nghị quyết về chế độ “hai nhà nước” ở khu vực này, tuy nhiên giao tranh vẫn chưa hạ nhiệt. Hồi cuối năm 2022, Đại hội đồng LHQ đã tổ chức phiên họp toàn thể thảo luận và bỏ phiếu thông qua 4 nghị quyết về vấn đề Palestine. Hầu hết các đại biểu của hơn 40 quốc gia đều khẳng định giải pháp hai nhà nước là hướng đi duy nhất để đạt được hòa bình bền vững giữa Israel và Palestine. Các nước nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần có các nỗ lực để biến mục tiêu này thành hiện thực, giải quyết một cách toàn diện, công bằng và lâu dài cuộc xung đột dài nhất trong lịch sử hiện đại.

Trong khi chờ đợi một giải pháp hòa bình, vấn đề hỗ trợ kinh phí để giải quyết cuộc sống của người tị nạn Palestine được cho là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>