Pakistan rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo

06/10/2022 | 11:12 GMT+7

Thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, xung đột... liên tục diễn ra đã khiến Pakistan rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng cần cứu trợ khẩn cấp.

Người dân xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ tại trại tị nạn ở Sehwan, tỉnh Sindh, Pakistan, sau khi phải rời bỏ nhà cửa tránh lũ lụt ngày 13-9-2022. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Pakistan, bà Sherry Rehman cho biết nước này không còn khả năng để đưa ra bất kỳ gói kích thích kinh tế nào sau lũ lụt, đồng thời kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ để quốc gia này phục hồi sau lũ.

Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Các vấn đề kinh tế Ayaz Sadiq dự kiến phải “mất nhiều năm” để Pakistan khôi phục và tái định cư cho hàng triệu người đã mất nhà cửa do lũ.

Sở dĩ Pakistan rơi vào khủng hoảng nhân đạo trên là do quốc gia này chịu tác động từ nhiều phía như lũ lụt kéo dài, dịch bệnh hoành hành, xung đột đẫm máu xảy ra ở nhiều nơi… Theo Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Pakistan, chỉ tính riêng lũ lụt kể từ giữa tháng 6 đến nay đã làm gần 1.700 người đã thiệt mạng, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Lũ lụt cũng đã nhấn chìm hàng triệu héc-ta đất và hoa màu, ảnh hưởng tới 33 triệu người, trong đó có khoảng 16 triệu trẻ em. Lũ lụt cũng đã làm hư hại 1,8 triệu ngôi nhà, cuốn trôi đường sá và phá hủy gần 400 cây cầu.

Theo giới chức địa phương, phải mất nhiều tháng nước lũ mới có thể rút hết. Ước tính thiệt hại lên tới 30 tỉ USD do mùa màng, vật nuôi, đường sá, cầu cống, nhà cửa, trường học và cơ sở y tế bị lũ cuốn trôi. Chính phủ Pakistan và Liên Hiệp Quốc (LHQ) khẳng định biến đổi khí hậu đã gây ra thảm họa này.

Đáng quan ngại là hệ lụy do lũ lụt kéo dài ở quốc gia Nam Á này còn nặng nề hơn gấp nhiều lần. Sau đợt mưa lũ kỷ lục tại Pakistan, nước trở thành nguồn lây nhiễm các căn bệnh như tiêu chảy, sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết, hay các bệnh về da và mắt, khiến bệnh viện quá tải.

Hệ thống y tế quá tải cũng khiến cơ sở vật chất y tế không được đảm bảo, trong khi số lượng y, bác sĩ không đủ để hỗ trợ các bệnh nhân, khiến những người tuyến đầu dễ rơi vào tình trạng làm việc quá sức.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra “thảm họa thứ 2” tại Pakistan sau lũ lụt, đặc biệt tại tỉnh Sindh. Hiện chính quyền Pakistan đang nỗ lực tiến hành các biện pháp nhằm ứng phó với những khủng hoảng đang diễn ra. Tuy nhiên, các quan chức thừa nhận nước này đang gặp nhiều khó khăn do nguồn tài chính, nhân lực không đủ để đáp ứng các nhu cầu về y tế, cứu trợ nhân đạo...

Trong một động thái liên quan, LHQ và Chính phủ Pakistan đã kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ khẩn cấp 160 triệu USD cho các nạn nhân của một trong những thảm họa tồi tệ nhất lịch sử nước này. Tuy nhiên con số này cũng chưa đủ để giúp Pakistan vượt qua thảm họa.

Mới đây, điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Pakistan, ông Julien Harneis đã tăng gấp 5 lần mức kêu gọi quyên góp viện trợ nhân đạo cho Pakistan, từ 160 triệu USD lên 816 triệu USD, do gia tăng số người mắc bệnh liên quan đến nước và tình trạng nghèo sau lũ lụt.

Pakistan đang chạy đua với thời gian để cứu trợ người dân bị thiên tai, dịch bệnh nhằm sớm đưa quốc gia Nam Á này thoát khỏi khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Tuy nhiên, công tác này không hề dễ dàng khi có quá nhiều người dân đang đói khát, bệnh tật trong khi thực lực của nước này đã cạn kiệt.

Đến nay, Pakistan đã tiếp nhận 111 chuyến bay từ các quốc gia hữu nghị và các tổ chức quốc tế chở hàng cứu trợ cho nạn nhân lũ lụt. Theo đó, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) thực hiện 41 chuyến, Mỹ 21 chuyến, Thổ Nhĩ Kỳ 13, Trung Quốc 4, Qatar 4, Saudi Arabia 2, Oman 2 và 6 nước viện trợ 1 chuyến là Nepal, Anh, Pháp, Uzbekistan, Turkmenistan, Jordan. Ngoài ra, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) gửi 13 chuyến hàng viện trợ, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNCEF) gửi 2 chuyến và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cử 3 chuyến hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng do lũ lụt tại Pakistan.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>